Gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Khó rà soát lao động tự do, địa phương chờ hướng dẫn

Thứ 4, 22.04.2020 | 08:25:01
626 lượt xem

Hà Nội đã bắt đầu rà soát dần các đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ với phương châm không bỏ sót, để lọt người khó khăn trong mùa dịch.

Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 3/2020, toàn thành phố có khoảng 40% doanh nghiệp, trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động; hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm.

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy, trong quý 1/2020, số người đến Trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội việc chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ; đến nay, qua rà soát bước đầu, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã xác định có hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

goi ho tro 62.000 ty: kho ra soat lao dong tu do, dia phuong cho huong dan hinh 1
UBND cấp xã, phường sẽ rà soát những lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để hỗ trợ theo gói 62.000 tỷ của Chính phủ. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội do ngành LĐ-TB-XH kê khai, chi trả; đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do do UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai và chi trả; đối tượng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do cơ quan BHXH đảm nhận….

"Do các nhóm đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, lao động có hợp đồng đều có số lượng cụ thể, nên sẽ chi trả sớm. Các đối tượng thụ hưởng từ chính sách BHXH sẽ nhận được sự hỗ trợ trong tháng 4; đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020. Lao động tự do sẽ là nhóm đối tượng phức tạp nhất và có thể nhận được sự trợ giúp muộn hơn. Hiện nhóm đối tượng này đang đợi hướng dẫn từ Chính phủ”, ông Dân cho biết.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cũng thông tin, việc khoanh vùng đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể sẽ được tiến hành thông qua sự phối hợp liên ngành, liên địa phương để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo. Sở đã hướng dẫn 30 quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng. Sau đó, khi có hướng dẫn của thể từ Bộ LĐ-TB-XH sẽ triển khai việc chi trả đến các đối tượng được hỗ trợ.

Khó rà soát lao động tự do

Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận Đống Đa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, quận Đống Đa đã tiến hành rà soát trên toàn bộ địa bàn, lập danh sách sơ bộ những đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.

Đến nay, kết quả  rà soát cho thấy, toàn quận có 2.037 lao động nghỉ việc không lương do dịch Covid-19, số người không đủ điều kiện hưởng BHTN là 2.388 người, đối tượng người có công là 4.017 người, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội là 3.807 người, 259 hộ nghèo và 233 hộ cận nghèo.

goi ho tro 62.000 ty: kho ra soat lao dong tu do, dia phuong cho huong dan hinh 2
Ông Nguyễn Đình Tiên cho biết, các cơ sở đều đang gặp khó khăn trong rà soát đối tượng lao động tự do. (Ảnh minh họa)

“Trong các nhóm đối tượng được nhận trợ cấp từ gói 62.000 tỷ, nhóm lao động tự do là phức tạp nhất. Nhóm này hiện nay không khống chế độ tuổi, mới chỉ quy định hộ khẩu thường trú, mức thu nhập trung bình theo chuẩn nghèo năm 2016-2020. Nếu không quy định độ tuổi cũng sẽ có những bất cập, đơn cử như một cụ già 80 tuổi, bán trà đá là công việc chính đem lại thu nhập cho cả gia đình cụ, nhưng đã quá tuổi lao động, thì cụ già có được nhận trợ cấp theo nhóm lao động tự do hay không.

 Tương tự với những trẻ em chưa đến tuổi lao động nhưng đã đi làm, hiện nay mất việc có được hỗ trợ hay không? Bên cạnh đó, có những người hộ khẩu thường trú ở địa bàn này, nhưng lại đi làm ở địa bàn khác, nên rất khó để nắm bắt được thu nhập và tình trạng thực tế của họ ra sao. Đến nay, nhiều phường phản ánh lên quận rằng có những lao động ngoại tỉnh chưa thể thống kê. Nhiều người không có căn cứ chứng minh có đăng ký tạm trú trên địa bàn. Nhóm lao động tự do rất khó xử lý, nhưng hiện chúng tôi vẫn cho điều tra, rà soát dần để đợi hướng dẫn chi tiết của Chính phủ”, ông Tiên nói.

Ông Nguyễn Đình Tiên cho rằng, trong việc rà soát các đối tượng hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ, vai trò của tổ trưởng các tổ dân phố vô cùng quan trọng. “Đây là người duy nhất biết được đối tượng có được hưởng hay không, nếu từ khâu này để xảy ra tình trạng bỏ sót đối tượng rất khó cho cơ quan Nhà nước xác nhận. Nếu không làm chặt chẽ, sẽ không đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ cấp bách cho những lao động gặp khó khăn thực sự. Do đó, Chủ tịch các Phường cần chịu trách nhiệm về công tác rà soát đúng để hỗ trợ trúng đối tượng đang cần. Trước mắt chúng tôi đang cho rà soát, tiếp đó sẽ có những bước để công khai minh bạch thông tin, đảm bảo hỗ trợ đúng người đúng việc”.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cũng cho hay, đến nay phường đã hoàn thiện danh sách những đối tượng chính sách được thụ hưởng như người có công, hộ nghèo, cận nghèo... Tuy nhiên, nhóm lao động tự do, các hộ kinh doanh gặp khó khăn vẫn cần những hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ.

“Theo Nghị định của Chính phủ, những hộ kinh doanh có đóng thuế dưới 100 triệu/tháng bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ được nhận hỗ trợ. Nhưng thực tế cũng có những cửa hàng kinh doanh rất khấm khá, họ cũng bị ảnh hưởng do dịch, nhưng mức độ không nhiều, thì có cần thiết hỗ trợ hay không. Cũng có những hộ trước đó đã từng kinh doanh trên địa bàn phường nhưng vì khó khăn phải đóng cửa chuyển đi nơi khác, đến nay địa phương cũng không có thông tin để hỗ trợ. Tương tự nhóm lao động tự do cũng rất phức tạp, chúng tôi cần được hướng dẫn chi tiết, lao động tự do là những ai, nếu nói chung chung như vậy sẽ rất khó để xác định, hiện nay công tác rà soát nhóm này còn rất mung nung. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có rà soát chi tiết đến từng đối tượng”, ông Khang cho hay.

Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cho biết, trước mắt nhằm hỗ trợ kịp thời những gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19, Phường đã tổ chức phát gạo, cùng một số nhu yếu phẩm cho các hộ dân trên địa bàn. Tổng mỗi suất quà trị giá khoảng 500.000 đồng./.


N.T/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/goi-ho-tro-62000-ty-kho-ra-soat-lao-dong-tu-do-dia-phuong-cho-huong-dan-1038778.vov

  • Từ khóa