Nơi "chữa bệnh, chăm sóc" những cánh bay

Thứ 2, 06.07.2020 | 14:51:25
770 lượt xem

Nhà máy A32, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) có nhiệm vụ sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay phản lực.

Với những nỗ lực bền bỉ, đột phá, sáng tạo, đơn vị đã sửa chữa, tăng hạn thành công hàng trăm lượt máy bay tiêm kích, bảo đảm sức mạnh chiến đấu của lực lượng Không quân Việt Nam.

Những máy bay phản lực hiện đại, sau nhiều năm hoạt động đã có hỏng hóc cần được sửa chữa. Khi bay lượn trên bầu trời bao la, từ mặt đất nhìn lên, những chiếc tiêm kích trông thật bé nhỏ. Nhưng giờ đây, trong phân xưởng sửa chữa, nó như chú chim đại bàng khổng lồ nằm im để được các kỹ sư, thợ kỹ thuật chăm sóc. Những năm gần đây, nhà máy A32 có bước đột phá trong công tác sửa chữa, tăng hạn máy bay tiêm kích. Giải pháp chiến lược, bền vững của đơn vị là xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư và thợ kỹ thuật có trình độ chuyên sâu, tâm huyết với công việc; ứng dụng vật liệu mới, chuyển giao công nghệ sửa chữa máy bay tiêm kích hiện đại, tiến tới phát triển công nghiệp hàng không.

Nơi
Sửa chữa máy bay tiêm kích tại phân xưởng 7.

Máy bay phản lực vào nhà máy sửa chữa, hay tăng hạn được các kỹ sư, thợ kỹ thuật Phân xưởng 1 kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng, sau đó tháo gỡ, chuyển các linh kiện bị lỗi kỹ thuật về các phân xưởng, bộ phận chuyên ngành để phục hồi. Công việc đòi hỏi các kỹ sư, thợ kỹ thuật không chỉ có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết tính năng kỹ thuật từng loại phụ tùng, thiết bị mà còn phải cẩn thận, tỉ mỉ. Trung tá QNCN Tạ Quốc Cường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà máy A32 cho biết: 100% cán bộ, người lao động đơn vị là đoàn viên công đoàn. Nhà máy hiện có 58 tổ công đoàn và 21 công đoàn bộ phận. Ban chấp hành công đoàn cơ sở đơn vị thường xuyên động viên cán bộ, đoàn viên nêu cao trách nhiệm trong công việc.

Trước đây, nhiều linh kiện, bộ phận máy bay phải chuyển ra nước ngoài sửa chữa, tốn kém và mất thời gian. Công đoàn cơ sở nhà máy đề xuất với lãnh đạo nhà máy tăng cường huấn luyện, cử cán bộ, kỹ sư đi học tập nước ngoài; biên dịch hàng nghìn trang tài liệu, xây dựng quy trình công nghệ. Cùng với đó, công đoàn đơn vị phát động các phong trào thi đua “5 nhất, 3 không”, “Xanh, sạch, đẹp”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đoàn viên công đoàn đã giải quyết những vấn đề kỹ thuật phát sinh trong thực tế giúp Nhà máy làm chủ hoàn toàn công nghệ sửa chữa tổng thể và tăng hạn thành công hàng chục máy bay kích hiện đại. Chỉ trong năm 2019, công đoàn nhà máy đã có 3 đề tài đoạt giải nhất, nhì, ba hội thi “Sáng kiến đề tài” cấp quân chủng; 3 sáng kiến đạt giải nhất, nhì, ba Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân.

Nơi
Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Nhà máy thăm hỏi, động viên người lao động tại Phân xưởng 1 sửa chữa-kết cấu máy bay.

Quan tâm chăm lo đời sống người lao động, từ đầu năm, Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhà máy phối hợp cùng giám đốc tổ chức hội nghị người lao động, bàn bạc và quyết định các giải pháp sản xuất; xây dựng quy chế phân phối tiền lương, tiền thưởng. Mỗi năm, Nhà máy chi hàng tỉ đồng mua sắm trang bị bảo hộ lao động, chi trả phụ cấp đặc thù, độc hại, khám sức khỏe cho người lao động.

Đại tá Trương Minh Đức, Giám đốc Nhà máy cho biết: "Đóng góp của hoạt động công đoàn vào nhiệm vụ trung tâm là rất quan trọng. Bởi hiện tại, cùng với sửa chữa máy bay tiêm kích, đơn vị còn đầu tư mặt bằng, tài liệu, trang thiết bị công nghệ sửa chữa các loại xe máy cho ngành hàng không như: Xe nạp nhiên liệu, xe cứu hỏa; sửa chữa vũ khí, trang bị cho các đơn vị phòng không, hải quân và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Nhà máy đã thành lập Trung tâm công nghệ cao, tập trung cán bộ chỉ huy, kỹ sư trẻ có năng lực về chuyên ngành điện điện tử, giải quyết những vấn đề khó trong lĩnh vực điện tử trên máy bay thế hệ mới".

Với những thành tích, nỗ lực của mình, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng 2; nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Quân chủng Phòng không-Không quân tặng Cờ thi đua và Bằng khen.

Niềm vui lớn nhất của những người thợ Nhà máy A32 là thời điểm những chiếc máy bay tiêm kích xuất xưởng bay nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị đưa vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Hành trình những ngày tháng lao động miệt mài, sáng tạo của đội ngũ lính thợ Nhà máy A32 đã chăm sóc, hồi sinh những cánh bay cho lực lượng Không quân Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc hôm nay.


Bài, ảnh: TRẦN THÔNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/noi-chua-benh-cham-soc-nhung-canh-bay-626192

  • Từ khóa