Xây dựng các tỉnh, thành phố thành ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới

Thứ 7, 12.09.2020 | 09:33:30
1,907 lượt xem

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là một chủ trương chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, là sự phát triển cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện.

Những năm qua, cấp ủy các cấp đã và đang triển khai đồng bộ có hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu trên các mặt công tác đặc biệt là các tỉnh ven biển, tạo được nhiều hiệu ứng về quân sự, quốc phòng gắn phát triển kinh tế-xã hội trong đó có kinh tế biển.

Nước ta có vị trí địa chiến lược với 28 tỉnh, thành phố có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Từ Bắc vào Nam, các tỉnh, thành phố có biển lần lượt là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới
Lãnh thổ đất liền của Việt Nam có lợi thế “mặt tiền hướng biển”. Ảnh: Văn Phong

Biển, hải đảo Việt Nam nằm trong Biển Đông bao gồm nhiều khu vực, nhưng nổi bật nhất là vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo, quần đảo khác. Do đó xác định tác chiến phòng thủ địa hình ven biển là một trong những loại hình tác chiến cơ bản, quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bởi nó phù hợp với khả năng, điều kiện của ta; đồng thời, thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đây là loại hình tác chiến được tiến hành ngay từ giờ đầu, ngày đầu và trong quá trình chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước hoặc trên một số hướng trong tác chiến chiến lược và kết thúc khi chuyển sang tác chiến phản công, tiến công chiến lược.

Xác định rõ vị trí, vai trò giá trị trong tác chiến chiến dịch, tác chiến chiến lược của khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ quan trọng này. Trọng tâm là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 30-7-1987 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, Nghị định 21/NĐ-CP ngày 22-2-2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.

Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Thủ tướng Chính phủ và hệ thống các văn bản, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc và đạt nhiều kết quả quan trọng. Xây dựng khu vực phòng tuyến ven biển được hình thành trên cơ sở làng, xã chiến đấu, các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật… trên các huyện đảo và các tỉnh, thành phố ven biển. Được liên kết chặt chẽ với thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận phòng thủ của Quân khu và cả nước. Thời bình củng cố quốc phòng, phát huy thế trận, xây dựng tiềm lực trong đó tập trung xây dựng thế trận nòng dân trong quản lý biển, khai thác phát triển kinh tế biển.

Khi đất nước chuyển từ thời bình sang thời chiến, thế trận đó được bổ sung, tăng cường, chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để xây dựng các tỉnh ven biển thành khu vực phòng thủ trọng điểm, vững chắc, thế trận tác chiến phòng thủ bờ biển được tốt cần tập trung đồng bộ nhiều giải pháp trong đó cần làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển Chiến lược biển, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng các tỉnh, thành phố ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 25-10-2013. Các địa phương, trực tiếp là các tỉnh, thành phố ven biển cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ trọng điểm ven biển, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cả thế trận quân sự - an ninh, thế trận kinh tế gắn với kinh tế biển, tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ âm ưu của kẻ địch trên lĩnh vực biển và tích cực bám biển phát triển kinh tế biển xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo của cấp mình về xây dựng khu vực phòng thủ cho từng năm và từng thời kỳ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá phù hợp, hiệu quả. Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ phải theo hướng: “...vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận, trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế,… quốc phòng, an ninh và đối ngoại… tự lực tự cường đối phó với các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới
Thành phố biển Nha Trang trên đà phát triển. Ảnh: Văn Phong

Thứ hai, cần nghiên cứu, đánh giá, nắm chắc tình hình địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm, xây dựng vững chắc  khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật tại chỗ vững chắc.

Trong kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ đây là những nội dung chủ yếu cần tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay từ thời bình. Khu vực phòng thủ then chốt của khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển là địa bàn trọng yếu của các tỉnh, huyện ven biển, nơi địa hình có giá trị về chiến thuật, chiến dịch mà ta phải quyết giữ vững; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến sự ổn định của thế trận tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố và Quân khu trên hướng biển. Do đó, khu vực phòng thủ then chốt cần được ưu tiên về quy hoạch, đầu tư nhằm bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để xây dựng vững chắc, toàn diện hơn các khu vực khác.

Căn cứ chiến đấu được lựa chọn xây dựng ở địa bàn ổn, nơi có địa hình thuận lợi, cơ sở chính trị vững chắc, được chủ động chuẩn bị về vật chất kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng trụ bám chiến đấu dài ngày. Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên các địa bàn trọng điểm ven biển để có kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng các công trình quân sự có tính lưỡng dụng; thực hiện làm từng bước, vững chắc, kiên cố, liên hoàn, bảo đảm cho các lực lượng có thể trụ vững trước đòn tiến công của địch. Việc xây dựng căn cứ hậu phương phải kết hợp với xây dựng căn cứ chiến đấu, lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu, kịp thời huy động lực lượng, vật chất tại chỗ để có thể tự lực bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình huống bị địch bao vây, phong tỏa.

Thứ ba, xây dựng hệ thống làng, xã, các tổ chức kinh tế tuyến ven biển, lực lượng dân quân, tự vệ biển bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng chiến đấu trong thời bình và chuyển thành xã, phường chiến đấu khi chiến tranh xảy ra.

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành ven biển thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới
Việt Nam có điều kiện và năng lực làm chủ vùng biển. Ảnh: Văn Phong

Làng, phum, sóc, ấp, xã, phường, thị trấn chiến đấu là thành phần trong thế trận quân sự trong thế trận khu vực phòng thủ là truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta; là cơ sở nền tảng của thế trận khu vực phòng thủ hướng biển, được liên kết chặt chẽ trong cộng đồng trên tuyến ven biển, đảo và đất liền thành một khối thống nhất theo phương án và kế hoạch phòng thủ từng bước phát triển theo tiến trình hình thành phát triển của đất nước. Đó là cơ sở để nhân dân và các lực lượng vừa sản xuất, vừa bám trụ đánh địch bảo vệ địa bàn trong tình huống, xung đột vũ trang, hoặc xảy ra chiến tranh. Trong thực tiễn chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tuyến biển không chỉ có kinh tế biển, mà chúng ta còn có mạng lưới quân sự trên biển như đường Hồ Chí Minh trên biển. Biển chính là cửa ngõ, là con đường mở ra thế giới để ta hợp tác giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự, anh ninh với quốc tế. Vì vậy, các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.

Thứ tư, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ, phòng ngự khu vực phòng thủ, phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng điểm, liên hoàn, vững chắc, tiện chi viện hỗ trợ lẫn nhau và chủ động đánh địch từ xa đến gần cả trên biển, đảo, trên không, trên bộ.

Khi xây dựng khu vực phòng thủ, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương cần phải phát huy và đề cao vai trò làm tham mưu của các cơ quan, ban ngành đoàn thể địa phương, trong đó lấy cơ quan quân sự làm trung tâm, bám sát chỉ đạo của Trung ương thực hiện theo Nghị định 21/2019/NĐ-CP ngày 22-9-2019 về khu vực phòng thủ, tiếp tục rà soát, quy hoạch xây dựng thành phần thế trận quân sự, hệ thống sở chỉ huy tác chiến cấp chiến dịch, chiến lược; các trận địa phòng không; các công trình bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, tập trung phát triển hệ thống giao thông ven biển, nâng cấp kết hợp với làm mới hệ thống đường bộ ven biển và tuyến đường liên huyện, liên tỉnh hướng ra ven biển, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội dân sinh, vừa bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện cơ động tác chiến và vận tải tiếp tế hậu cần, kỹ thuật, phục vụ luyện tập diễn tập và huấn luyện cơ bản thường xuyên. Xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển ngày càng vững chắc là chủ trương chiến lược và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; Bộ Quốc phòng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, tham mưu cho Đảng, nhà nước làm cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

Thứ năm,  nghiên cứu, nắm chắc tình hình, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, luyện tập, diễn tập hoạt động chiến đấu phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương với các lực lượng hải quân, các trung đoàn, sư đoàn phòng ngự bờ biển trong thế trận tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố, quân khu.

Cùng với tác chiến phòng thủ, các tỉnh, thành phố ven biển chủ động huấn luyện, diễn tập tác chiến chiến phòng thủ phối hợp giữa lực lượng hải quân bảo vệ biển, đảo; diễn tập tác chiến phối hợp giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, tập trung tác chiến phòng ngự bờ biển với quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn nâng cao khả năng xử trí các tình huống khi địch tiến công; xây dựng hệ thống công sự trận địa ven biển, nghiên cứu xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt cấp huyện, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương cấp tỉnh, thành phố bảo đảm đáp ứng mọi tình huống xảy ra.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-cac-tinh-thanh-pho-ven-bien-thanh-khu-vuc-phong-thu-vung-chac-trong-tinh-hinh-moi-634946

  • Từ khóa