Đoàn kết, tự lực, chủ động, khoa học, xây dựng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ

Thứ 3, 15.09.2020 | 09:18:22
772 lượt xem

Chỉ sau 13 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng-tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) ngày nay.

Trong bối cảnh Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước ta đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách trước thù trong, giặc ngoài và giặc đói, giặc dốt hoành hành; với quyết tâm và lòng nhiệt huyết, cán bộ, nhân viên Phòng Quân giới là hạt nhân vận động trí thức, công nhân và các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp vàng, bạc, máy móc, nhà cửa, trí tuệ cùng sức lực của mình để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí. Chỉ một thời gian ngắn, khắp đất nước đã ra đời hàng trăm binh xưởng, công xưởng sản xuất các loại vũ khí thông thường, chuẩn bị cho quân và dân ta thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp.

Đoàn kết, tự lực, chủ động, khoa học, xây dựng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ
Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z199. Ảnh: THANH TÙNG.


Để đáp ứng yêu cầu của kháng chiến, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, Phòng Quân giới phát triển thành Chế tạo Quân giới Cục (tức Cục Quân giới). Tháng 12-1946, ngành quân giới gấp rút tổ chức cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu... từ các thành phố, vùng đồng bằng lên Chiến khu Việt Bắc, bắt tay vào sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho quân và dân đánh giặc. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, ngành quân giới đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, cung cấp cho chiến trường hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược và các loại trang bị, khí tài, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc, các xí nghiệp quốc phòng ngày càng được củng cố, tiếp tục sản xuất vũ khí bộ binh thông thường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với một số trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội nghiên cứu, cải tiến thành công một số loại vũ khí do các nước bạn viện trợ. Tiêu biểu là chiến công trong cải tiến vũ khí, khí tài phòng không góp phần bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có "pháo đài bay" B-52; nghiên cứu và chế tạo các phương tiện rà phá bom từ trường, rà phá thủy lôi của địch; nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại vũ khí, trang bị cho bộ đội đặc công; tổ chức sản xuất súng cối 81mm, súng và đạn chống tăng CT62, mìn định hướng... Quân giới miền Nam đã tận dụng vũ khí đoạt được của địch, chế tạo ra nhiều vũ khí dễ sử dụng và đánh địch có hiệu quả. Ngành quân giới đã góp phần quan trọng để quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, ngành quân giới bước sang chặng đường phát triển mới-ngành CNQP và sau này là Tổng cục CNQP. Cán bộ, công nhân toàn ngành rất phấn khởi, tự tin, quyết tâm thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: Phát triển sản xuất quốc phòng và tham gia sản xuất xây dựng nền kinh tế đất nước. Các nhà máy CNQP đã nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, triệt để khai thác mọi tiềm năng làm ra nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 20-7-1993 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2000”, ngành CNQP đã tích cực triển khai nhiều biện pháp lớn để phát triển ngành theo định hướng mới, mục tiêu mới. Đến những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, về tổ chức lực lượng có sự thay đổi tương đối lớn, nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong quân đội được điều động về Tổng cục CNQP (đặc biệt là các nhà máy khối đóng tàu), từ đây, ngoài sản xuất vũ khí lục quân, bắt đầu đẩy mạnh sản xuất vũ khí trang bị cho quân, binh chủng, ngành CNQP đã có bước tiến quan trọng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP trong thời kỳ mới, ngày 16-6-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2010”. Thực hiện Nghị quyết số 27, nhiều dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo hoặc nhập công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ sản xuất quốc phòng được thực hiện. Năng lực sản xuất các sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật của Tổng cục CNQP được nâng lên rõ rệt, chất lượng sản phẩm từng bước ổn định và nâng cao.

Trong những năm gần đây, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Tổng cục CNQP đã có bước phát triển vượt bậc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời tham gia có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Tổng cục đã tích cực, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về CNQP, qua đó huy động được sức mạnh của các bộ, ngành và nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển CNQP.

Tổng cục chủ động đề xuất, báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển CNQP. Đồng thời trực tiếp tổ chức thực hiện thành công nhiều dự án trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực, trình độ và hiện đại hóa CNQP quốc gia, từng bước đáp ứng yêu cầu huấn luyện SSCĐ của các đơn vị quân đội... Từ chương trình đầu tư phát triển CNQP, nhiều sản phẩm vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất đã đạt trình độ khoa học công nghệ ngang tầm khu vực và thế giới, được cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tiêu biểu như: Súng bộ binh thế hệ mới; khí tài ngắm bắn ngày và đêm; tên lửa phòng không tầm thấp; tàu pháo, tàu tên lửa tấn công nhanh; tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư; tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng và các tàu chuyên dụng, bổ trợ hiện đại; thuốc nổ mạnh TNT, hexogen, thuốc phóng hỏa thuật; các loại đạn pháo chiến dịch, pháo cao xạ, pháo hải quân... Tổng cục phát triển hiện đại hóa được nhiều loại vũ khí, trang bị mới thay thế nhập khẩu.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, qua hoạt động thực tiễn lao động, sản xuất và chiến đấu, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của quân giới trước đây-Tổng cục CNQP ngày nay đã vun đắp nên truyền thống tốt đẹp “Đoàn kết, tự lực, chủ động, khoa học”, xứng đáng với lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Quân giới Việt Nam chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, học tập nữa, học tập mãi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Những năm tới, để xây dựng ngành CNQP ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, Tổng cục CNQP kế thừa, phát huy truyền thống, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025), tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển CNQP.

Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ tổng cục trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, xây dựng tổng cục VMTD. Từng bước xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng. Tổng cục chủ động tham mưu triển khai phát triển một số lĩnh vực công nghệ để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia... Chỉ đạo triển khai đóng mới các gam tàu quân sự bảo đảm chất lượng, tiến độ, làm chủ công nghệ đóng các tàu quân sự hiện đại phù hợp với chiến lược trang bị; ưu tiên ứng dụng công nghệ lưỡng dụng để phát triển sản phẩm kinh tế gắn với thị trường sản phẩm truyền thống. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quốc phòng, kinh tế trong và ngoài nước, tiến tới xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

Với những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân giới Việt Nam trước đây, Tổng cục CNQP ngày nay đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng (năm 1996), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1984, 2000, 2010), Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2005), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2020). Tổng cục CNQP được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2014); 32 lượt tập thể và 50 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; nhiều công trình và cụm công trình được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước...

Trung tướng TRẦN HỒNG MINH, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doan-ket-tu-luc-chu-dong-khoa-hoc-xay-dung-tong-cuc-cong-nghiep-quoc-phong-ngang-tam-nhiem-vu-635165

  • Từ khóa