Duyên tình cánh sóng, cánh bay

Thứ 7, 11.09.2021 | 15:13:11
1,287 lượt xem

Đã 4 tháng nay, tuy ở cùng đơn vị nhưng anh và chị người nào việc nấy, trao đổi với nhau chỉ qua những dòng tin nhắn viết vội. Anh tất bật với những chuyến bay ra Bắc, vào Nam; còn chị gửi lại con thơ cho người thân, tình nguyện ở lại đơn vị cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.

Đó là câu chuyện của vợ chồng Thượng tá Đinh Chu Khiêm, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) và Trung úy QNCN Mã Thị Bắc, nhân viên thống kê, Tiểu đoàn Thông tin.

“Hết dịch mới về nhà”

Khác với hình dung về những người vợ phi công hẳn rất mạnh mẽ, sắc sảo, ấn tượng của chúng tôi khi gặp Trung úy QNCN Mã Thị Bắc là giọng nói nhỏ nhẹ, dáng người thanh thoát và nước da trắng “đặc trưng” của người con gái Tày ở vùng Quảng Uyên (Quảng Hòa, Cao Bằng). Kể từ ngày 4-5-2021 đến nay, thực hiện yêu cầu duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu, cũng như nhiều đồng đội, dù nhà cách cổng đơn vị chỉ mấy trăm mét, nhưng vợ chồng chị không về nhà. Khi hỏi chị việc chăm sóc các con sẽ như thế nào? Chị Bắc cười hiền: “Gia đình bộ đội mà nên con mình trưởng thành sớm. Các cháu cơ bản đã tự phục vụ được. Nếu cần mua lương thực, thực phẩm thì hàng xóm cũng là đồng đội ở khu gia đình của đơn vị sẽ hỗ trợ. Gần đây, ông nội của bọn trẻ cũng từ quê ra giúp đỡ nên mình thêm yên tâm hơn”.

Duyên tình cánh sóng, cánh bay
 Vợ chồng Thượng tá Đinh Chu Khiêm và Trung úy QNCN Mã Thị Bắc xem lại những bức ảnh kỷ niệm. Ảnh: VŨ DUY.

Tiểu đoàn Thông tin có 4 nhân viên nữ, mỗi người một hoàn cảnh. Chị Bắc thấy mình sức khỏe tốt hơn đồng đội, lại có thể cân đối được việc nhà, việc cơ quan nên chị tình nguyện ở lại đơn vị thay cho các chị em khác không phải luân phiên vào làm việc. Đó cũng là giải pháp tốt để phòng, chống dịch Covid-19. Vậy là suốt 4 tháng qua, phòng làm việc cũng là phòng nghỉ của chị. Chỉ chiếc ghế ngồi làm việc, chị bảo nó rất đa năng, lúc cần thiết có thể chuyển đổi thành giường ngủ. Chúng tôi hỏi chị về những khó khăn, bất tiện khi điều kiện ở đơn vị không thể bằng ở nhà, rồi làm thay công việc của 3 đồng đội nữa thì liệu có vất vả quá không? Chị lắc đầu, nhẹ nhàng bảo: “Không, chị thấy mọi việc đều ổn”. Rồi chị khoe, ngoài tiểu đoàn thông tin, chị em ở các đơn vị khác thuộc lữ đoàn cũng ở lại trực sẵn sàng chiến đấu. Kết thúc công việc mỗi ngày, chiều đến, các chị ra khu tăng gia trồng rau rồi chơi cầu lông, bóng chuyền... để nâng cao sức khỏe. Chị và đồng đội đều quyết tâm “hết dịch mới về nhà”.

Chung câu quân hành

Đang trò chuyện với chúng tôi thì điện thoại chị báo có tin nhắn tới. Chị mở máy đọc rồi cười tươi: “Anh Khiêm vừa báo là đã hạ cánh an toàn”. Chúng tôi hỏi, vậy chị có cần dừng cuộc trò chuyện để ra sân bay đón anh không. Chị nói ngay: “Vợ chồng mình có quy ước với nhau rồi. Việc đầu tiên anh làm sau mỗi chuyến bay là báo tin bình an cho vợ. Với mình như thế là mãn nguyện rồi!”.

Qua lời kể của chị, chúng tôi được biết, đã gần 4 tháng nay, chồng chị-Thượng tá Đinh Chu Khiêm luôn tất bật với những chuyến bay vào Nam, ra Bắc thực hiện nhiệm vụ chở người, hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho các lực lượng phòng, chống dịch ở miền Trung, miền Nam và tham gia các ban bay huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Sau mỗi nhiệm vụ, anh lại trở về khu vực dành riêng cho phi công để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khác. Vì vậy, tuy vợ chồng cùng ở trong đơn vị mà cũng hiếm khi được gặp nhau. Cũng bởi thế mà những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại trở thành “sợi dây” kết nối tình cảm vợ chồng.

Chị bảo, yêu và làm vợ bộ đội là chấp nhận hy sinh và những tháng ngày xa cách. Hai người vốn cùng quê, lại học cùng trường. Chị yêu và chờ đợi anh 6 năm mới về chung một nhà. Do đặc thù công việc của một phi công quân sự, thời gian anh Khiêm ở nhà không nhiều. Hiểu và chia sẻ với chồng nên chị luôn xác định chủ động gánh vác mọi việc. Vợ chồng chị ở xa quê nên khi sinh hai con, hầu như một mình chị xoay xở. Những đêm con lớn sốt, con thứ hai còn bé quấy khóc, một mình loay hoay với hai con, chị tủi thân phát khóc. Nhưng những phút yếu lòng đó cũng trôi qua thật nhanh, chị lại thầm nhủ, mình phải mạnh mẽ để anh yên tâm công tác, không lo lắng chuyện nhà. Thế nên anh chỉ biết chuyện con đau ốm khi con đã khỏi bệnh. Nhiều khi chị nói đùa mà cũng là “dặn” anh: “Anh chỉ có mỗi nhiệm vụ là... hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị! Phải cố để hoàn thành cho thật tốt đấy nhé!”.

Năm 2020, nguyện vọng được khoác trên mình bộ quân phục, trở thành đồng đội của chồng, chị Bắc đã được thỏa nguyện. Với chị, được ở cùng đơn vị với anh là niềm khao khát mà chị mong chờ nhiều năm nay. Chị Bắc chia sẻ: “Dù khó khăn, vất vả như thế nào tôi cũng không nề hà. Khi mà “tình chàng, duyên thiếp” đã chung câu quân hành thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua thôi!”.


TRUNG TRANG - SƠN THỦY/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/duyen-tinh-canh-song-canh-bay-670942

  • Từ khóa