Sáng tạo “đánh điểm, diệt viện” trong Chiến dịch Hòa Bình

Chủ nhật, 05.12.2021 | 14:19:25
974 lượt xem

Chiến dịch Hòa Bình (từ 10-12-1951 đến 25-2-1952) là chiến dịch đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiến công vào các cứ điểm phòng ngự mạnh của thực dân Pháp.

Trong chiến dịch này, quân ta vận dụng sáng tạo nhiều loại hình tác chiến, trong đó nổi bật là nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”.

 “Đánh điểm, diệt viện” là nghệ thuật tác chiến nhấn mạnh yếu tố cơ động, bao gồm sự kết hợp của chiến đấu tiến công và phục kích. Trong chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, thực hiện phương châm “đánh điểm, diệt viện”, ta đã tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, buộc hai binh đoàn Le Page và Charton phải cơ động ứng cứu và bị quân ta phục kích.

Trong 3 chiến dịch sau đó: Chiến dịch Trung du (Trần Hưng Đạo), Đường số 18 (Hoàng Hoa Thám) và Hà Nam Ninh (Quang Trung), bộ đội ta cũng vận dụng nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, nhưng hiệu quả chưa cao, do ta chọn hướng chưa phù hợp, chưa phát huy được sở trường của các lực lượng, chưa khắc chế được khả năng cơ động và hỏa lực của địch.

Từ những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút, trong Chiến dịch Hòa Bình, sau khi nghiên cứu, nắm chắc tình hình địch, địa bàn, công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh Chiến dịch xác định phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện, liên tục chiến đấu, kiên quyết tích cực kiềm chế và diệt pháo địch”; đánh viện, phải đồng thời đánh địch cả đường thủy, đường bộ, lực lượng cơ giới và quân dù.

Sáng tạo “đánh điểm, diệt viện” trong Chiến dịch Hòa Bình
Vận chuyển vũ khí, đạn dược cho Chiến dịch Hòa Bình. Ảnh tư liệu 

Theo đó, ở mặt trận chính diện ta đồng thời đánh địch cả trên Đường số 6 và khu vực Ba Vì, sông Đà. Trên chiến trường Đường số 6 tổ chức "đánh điểm, diệt viện", phá giao thông tiếp vận của địch; trên hướng Ba Vì, sông Đà tiến hành tập kích pháo, đánh điểm nhỏ, diệt viện nhỏ, chặn hoặc có thể diệt viện lớn; đồng thời cho một bộ phận hoạt động sâu vào vùng địch hậu, giúp đỡ bộ đội địa phương, dân quân đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Trong chiến dịch này ta tổ chức những trận "đánh điểm" giành thắng lợi giòn giã, như trận tập kích điểm cao 400, 600, diệt trận địa pháo địch ở thị xã Hòa Bình. Đặc biệt, trận đánh cứ điểm Tu Vũ (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), chỉ trong một đêm (10-12-1951), Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Lê dương địch được tăng cường xe tăng, pháo binh yểm trợ và diệt gọn quân chi viện trong ngày 11-12-1951.

Các trận đánh diệt viện cũng đã diễn ra trên hai hướng chính: Dọc sông Đà và trên các trục đường bộ. Ngày 11-12, các lực lượng của Trung đoàn 66 và Trung đoàn 141 đã bắn chìm và làm hỏng nhiều ca nô chở quân Pháp tiếp viện trên sông Đà, cắt đứt tuyến đường tiếp tế bằng đường thủy của địch. Đối với việc đánh địch tiếp viện bằng đường không, ta chưa có hỏa lực pháo phòng không mạnh, nên ít kết quả.

Tiếp viện bằng đường bộ là phương thức chi viện chủ yếu của địch trong chiến dịch Hòa Bình, nhờ nắm chắc quy luật, chọn thời điểm, thời cơ đúng, quân ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, tiêu biểu như trận phục kích ở Cầu Mè (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304) diệt gọn một đại đội địch, phá hủy 34 xe quân sự; trận phục kích ở Giang Mỗ (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), ta tiêu diệt một đại đội địch, phá hủy 5 xe quân sự...

Nhờ thực hiện tốt phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, hai tháng rưỡi chiến đấu liên tục, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng khu vực Hòa Bình, sông Đà với diện tích khoảng 2.000km2; tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, thu 24 khẩu pháo các cỡ, 788 súng các loại, 98 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 18 ca nô, tàu, xuồng, phá hủy 246 xe quân sự.

Ta đã đánh bại âm mưu của thực dân Pháp đánh chiếm vùng tự do, đồng thời phá tan ý đồ giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của địch, bảo đảm giao thông liên lạc giữa Việt Bắc và Liên khu 3, Liên khu 4.

Có thể khẳng định, chủ trương thực hiện phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện” của Tổng Quân ủy trong Chiến dịch tiến công Hòa Bình là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình cũng như tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc bấy giờ.

Chủ lực của ta lúc đó chưa đủ điều kiện và khả năng tiến công tiêu diệt hệ thống cứ điểm của địch, nên chủ trương đánh một số điểm nhằm dụ địch tăng viện để ta tập trung tiêu diệt. “Đánh điểm” có thể là tiến công diệt gọn cứ điểm, cụm cứ điểm, cũng có thể là vây hãm, bức hàng, bức rút cứ điểm, cụm cứ điểm của địch...

Trong Chiến dịch Hòa Bình, "đánh điểm” chỉ là thứ yếu, nên ta không đánh tất cả các cụm cứ điểm, các cứ điểm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn, mà chỉ đánh một số cứ điểm, buộc địch phải chi viện. Như vậy, nhận thức về “đánh điểm” của ta có bước phát triển hơn trước. 

Việc đánh địch ra chi viện trong Chiến dịch Hòa Bình cũng có nét mới và phức tạp, khó khăn hơn đánh địch chi viện trong các chiến dịch trước đó, vì khi địch chi viện đường bộ ở Hòa Bình trong thế liên hoàn của cụm, phân khu cứ điểm, nên chúng phát huy được ưu thế cả về hỏa lực, xung lực và cơ động trên địa hình trống trải.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương châm “đánh điểm, diệt viện”, quân ta đã tận dụng địa hình núi, sông, nhất là thế hiểm trở của dãy núi Ba Vì, đưa lực lượng chủ lực vào sâu bên trong "Phòng tuyến sông Đà” của địch để thực hiện đánh viện.

Mặt khác, địch mới đánh chiếm khu vực Hòa Bình chưa ổn định tình hình, chưa tổ chức kiểm soát được chặt chẽ địa bàn, nên ta bố trí lực lượng ở những nơi địch sơ hở, bất ngờ để thực hiện những trận đánh vận động hết sức táo bạo làm cho địch không kịp trở tay.


SƠN BÌNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/sang-tao-danh-diem-diet-vien-trong-chien-dich-hoa-binh-679566

  • Từ khóa