Dân vận khéo nơi vùng biên xứ Lạng

Chủ nhật, 10.07.2022 | 13:43:34
954 lượt xem

Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình nhân dân, triển khai hiệu quả các nghị quyết về công tác dân vận, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn chủ động xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh biên giới, nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Những công trình thắm tình đồn - xã

Trở lại xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) lần này, đi trên cung đường trải thảm nhựa phẳng lỳ, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những đổi thay của đời sống nhân dân miền sơn cước. Còn nhớ, nhiều năm trước, hệ thống giao thông tại thôn Hợp Nhất, xã Tân Mỹ ngổn ngang chắp vá, chưa đồng bộ. Đường chủ yếu là đất đá, trời nắng thì bụi mù, nhưng chỉ một trận mưa đổ xuống lại hóa thành sông. Mặc dù chính quyền xã đã cố gắng nhưng nguồn vốn hạn hẹp, lại không có nhân lực nên bao năm vẫn thế.

Dân vận khéo nơi vùng biên xứ Lạng
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn làm đường giúp dân ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.  

Thực hiện mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn-xã”, Đảng ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Tân Thanh phối hợp với Đảng ủy, UBND xã xác định công trình, phần việc trọng tâm đưa vào kế hoạch triển khai. Nhờ huy động nguồn lực, vật chất của bộ đội, chỉ sau thời gian ngắn, công trình đường giao thông bê tông ở thôn Hợp Nhất trị giá gần 300 triệu đồng đã hoàn thành, mang lại diện mạo mới cho thôn xóm, trong niềm phấn khởi của nhân dân.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Xác định vai trò quan trọng của công tác dân vận, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình nhân dân, triển khai các nghị quyết, kế hoạch công tác dân vận. Một trong những cách làm sáng tạo giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo là mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn-xã”. Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp công sức, vật chất tham gia giúp đỡ nhân dân xây dựng các công trình dân sinh”.

Kết quả của mô hình được thể hiện bằng những con số biết nói: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, BĐBP tỉnh đã xây dựng được 42 công trình dân sinh, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, gồm 800m kênh mương thủy lợi; 2,5km đường bê tông; 1 ngầm qua suối; 3 nhà mái ấm nơi biên giới; 2 mô hình sinh kế giúp 25 hộ nghèo... Hằng năm, căn cứ vào đặc điểm địa bàn, đơn vị triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động phong trào, như: “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Áo ấm mùa đông biên giới”... Qua đó giúp nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần chia sẻ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Các mô hình này được đánh giá là sáng tạo, nổi bật trong việc cụ thể hóa việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của BĐBP tỉnh; trở thành những "cầu nối", thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa BĐBP với nhân dân các dân tộc vùng biên giới.

Tuyên truyền hiệu quả, biên giới vững bền

BĐBP tỉnh Lạng Sơn quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 200km; khu vực biên giới của tỉnh gồm 20 xã, 1 thị trấn, với 176 thôn, khu phố; 72 thôn giáp biên; gồm 5 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao và Hoa. Những năm qua, kinh tế-xã hội khu vực biên giới của địa phương có bước phát triển. Tuy nhiên, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, các mâu thuẫn trong dân, tranh chấp đất đai, đồi rừng, vẫn còn xảy ra...

Dân vận khéo nơi vùng biên xứ Lạng
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Ảnh: VI TOÀN 

Tân Minh là xã biên giới thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, có hơn 350 hộ với gần 1.400 khẩu, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Xuất phát từ thói quen dựa vào rừng để mưu sinh nên còn tình trạng người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như súng hơi, súng tự chế để săn bắn thú rừng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh trật tự địa bàn. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra. Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Bình Nghi đã phối hợp với chính quyền xã Tân Minh phát động và triển khai sâu rộng Phong trào “Cán bộ, nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội địa bàn, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trịnh Đức Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Nghi cho biết: “Không chỉ nói suông mà để nói dân nghe, làm dân tin, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng phải xuống trực tiếp tuyên truyền cho dân”. Lúc thì phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại của sử dụng vũ khí tự chế, khi lại tranh thủ các buổi họp dân để kết hợp vận động. Các anh còn lắp đặt hòm thư góp ý, tố giác tội phạm và tranh thủ tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào để vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

“Mưa dầm thấm lâu”, kết quả là từ năm 2021 đến nay, người dân đến giao nộp gần 30 khẩu súng tự chế và nòng súng các loại. Người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định pháp luật về biên giới. Được biết, thực hiện Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" trong tình hình mới, BĐBP tỉnh đã vận động 35 tập thể và 882 hộ gia đình đăng ký phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ đường biên giới và cột mốc quốc giới; lắp đặt, quản lý 240 hòm thư tố giác tội phạm, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc phức tạp trên biên giới.

Tình trạng chung trước đây ở các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn là có tài nguyên đất đai, lợi thế chăn nuôi, trồng trọt nhưng nhiều hộ dân không biết khai thác phát triển kinh tế, đời sống vẫn khó khăn. Nguyên nhân chính là do nhiều nghị quyết cấp trên chưa được tổ chức đảng cơ sở triển khai hiệu quả. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng khu vực biên giới, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng khẳng định: “Đến nay, chủ trương BĐBP tham gia cấp ủy địa phương cấp huyện, xã; đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại chi bộ thôn và phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới đang thực sự phát huy hiệu quả”. Hiện nay, có 4 đồng chí tham gia cấp ủy huyện, 4 đồng chí tham gia HĐND huyện, 21 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 148 đồng chí tham dự sinh hoạt tại 99 chi bộ thôn, 192 đồng chí phụ trách 697 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Các cán bộ biên phòng đã tích cực tham mưu, tư vấn, giúp cấp ủy địa phương duy trì nền nếp, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn; kết nạp được 14 đảng viên mới. Vừa qua, các đồng chí đã tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự bầu trưởng thôn và tổ chức đại hội chi bộ thôn theo chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Bằng nhiều phương pháp phối hợp tuyên truyền hiệu quả, các đồng chí đã tham mưu với địa phương hóa giải được nhiều vụ việc phức tạp, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh biên giới.

Những kết quả trên của BĐBP tỉnh đã góp phần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trên biên giới xứ Lạng từng bước ổn định cuộc sống, yên tâm, gắn bó, tích cực lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững; tình quân dân ngày càng thêm bền chặt.


Phạm Kiên/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dan-van-kheo-noi-vung-bien-xu-lang-699444

  • Từ khóa