Nghệ thuật đánh công kiên trong trận tiến công Đồn Nhất

Chủ nhật, 25.09.2022 | 08:35:32
598 lượt xem

Thắng lợi của Chiến dịch Hè Thu 1952 trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung và trận tiến công Đồn Nhất trên đèo Hải Vân (25-9-1952) nói riêng đánh dấu sự trưởng thành về nghệ thuật đánh công kiên (tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc) của bộ đội ta ở chiến trường Nam Trung Bộ.

Đồn Nhất nằm án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân, ở địa thế hiểm trở, có đường tàu hỏa xuyên lòng đất qua núi; công sự, lô cốt được xây dựng kiên cố, vững chắc, bao quanh đồn có tường thành xây bằng đá cao 3 mét, dày 1 mét. Lực lượng địch ở Đồn Nhất khoảng một trung đội Âu-Phi tăng cường, được trang bị 4 súng trọng liên 20mm, 15 súng trung liên và nhiều phương tiện chiến đấu khác nhằm trấn giữ vị trí quan trọng trên quốc lộ 1A. Trước khi kết thúc Chiến dịch Hè Thu 1952, Đại đội 6 (được tăng cường 1 trung đội của Đại đội 4), Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 (Liên khu 5) với mật danh bộ phận "DZ", được giao nhiệm vụ tiến ra Tây Bắc Hòa Vang, ém quân ở Khe Sơn, Lỗ Trào, Trường Định, chủ động, tích cực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm tiêu diệt Đồn Nhất; nghi binh đánh lạc hướng địch để cho đại bộ phận lực lượng của Trung đoàn 803 lui quân về hậu phương an toàn.

Sau hai giờ chiến đấu ngoan cường, ta đã diệt cứ điểm Đồn Nhất, bắt tên quan hai đồn trưởng người Pháp và tên xạ thủ súng trọng liên 20mm; thu 3 khẩu trọng liên 20mm, 11 khẩu trung liên, 10 khẩu súng ngắn và các loại quân trang địch dự trữ. Trận đánh đã thể hiện nghệ thuật đánh công kiên trong điều kiện so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch, đặc biệt là lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị của ta còn thô sơ, lạc hậu. Cụ thể trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nghệ thuật tạo lập thế trận tiến công vững chắc ngay từ đầu.

Tiến công Đồn Nhất ta gặp rất nhiều khó khăn, bộ đội phải hành quân xa, mang vác nặng, qua nhiều địa hình phức tạp với rừng rậm, núi cao, suối sâu. Mục tiêu tấn công là lực lượng lính Âu-Phi tinh nhuệ, phòng ngự trong công sự vững chắc, ở địa hình có lợi. Trong khi đó vũ khí, trang bị của ta còn thô sơ, lạc hậu, nhất là về hỏa lực. Thế nhưng ta đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tạo thế và lực đủ mạnh, đánh địch ở thế chủ động.

Nghệ thuật đánh công kiên trong trận tiến công Đồn Nhất
Đồn Nhất trên đèo Hải Vân bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 tiêu diệt đêm 25-9-1952. (Ảnh do Viện Lịch sử Quân sự cung cấp) 

Nắm vững nguyên tắc tạo lập thế trận tiến công, tận dụng điều kiện địch tập trung đối phó với các hoạt động của ta trên chiến trường Bắc Quảng Nam, ta đã nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, địa hình, xây dựng kế hoạch chiến đấu phù hợp, sát thực tiễn, nhất là trong sử dụng hỏa lực trên các mũi, hình thành thế bao vây, chia cắt địch ngay từ đầu và giành thế chủ động trong suốt quá trình chiến đấu. Khi phát triển chiến đấu vào bên trong Đồn Nhất, tuy gặp phải sức chống trả quyết liệt của địch, nhưng các tổ xung kích, các mũi tiến công của ta được sự chi viện tích cực, hiệu quả của hỏa lực bằng thủ pháo, lựu đạn đã nhanh chóng tiêu diệt từng bộ phận, từng hỏa điểm, từng lô cốt tiến đến tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Hai là, nghệ thuật nắm thời cơ, triệt để lợi dụng yếu tố bí mật, bất ngờ khi thực hành tiến công.

Địch chiếm giữ vị trí phòng ngự hiểm yếu, được trang bị hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, vững chắc, lại xa địa bàn hoạt động thường xuyên của ta nên dẫn đến chủ quan. Hơn nữa, chúng cho rằng, trang bị, vũ khí của ta thô sơ, lạc hậu chưa đủ sức và không dám tiến công. Do đó, khi ta tiến công Đồn Nhất khiến địch hoàn toàn rối loạn, lúng túng, bị động trong đối phó.

Trong suốt quá trình chuẩn bị, thực hành chiến đấu và kết thúc trận đánh, mọi hành động của ta đều được bảo đảm bí mật, bất ngờ. Qua nghiên cứu, ta nắm chắc về tình hình địch, địa hình, tổ chức chuẩn bị chiến đấu chu đáo, hoàn toàn chủ động khi tiến công Đồn Nhất. Chọn thời điểm tiến công vào ban đêm để cơ động lực lượng áp sát mục tiêu, nổ súng vào lúc nửa đêm khi địch trong đồn đang ngủ say, việc tuần tra, canh gác bộc lộ sơ hở đã tạo được yếu tố bất ngờ. Vì vậy, khi ta tiến công, địch nhanh chóng bị tiêu diệt.

Ba là, nghệ thuật vận dụng các thủ đoạn chiến đấu.

Lựa chọn cách đánh phù hợp, vận dụng sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu, nhằm hạn chế điểm mạnh của địch và phát huy sở trường của ta là nét độc đáo trong trận tiến công Đồn Nhất. Qua nghiên cứu, đánh giá tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết, ta đã quyết định lựa chọn chiến thuật công kiên và cách đánh gần, đánh đêm, bí mật cơ động áp sát mục tiêu, bất ngờ nổ phá mở cửa, thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu. Với cách đánh đó, ta đã tạo được sức mạnh áp đảo quân địch ngay từ đầu, đẩy địch vào thế bị động đối phó, nhanh chóng bị tiêu diệt và giành thắng lợi trong thời gian ngắn là do trong quá trình tiến công, ta đã vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, như: Đột phá, bao vây, chia cắt, nghi binh, kiềm chế... Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và sự kết hợp chặt chẽ các thủ đoạn chiến đấu trong trận tiến công Đồn Nhất đã tạo nên thế trận áp đảo quân địch ngay từ khi ta nổ súng tiến công. Khi tiếp cận được mục tiêu lô cốt địch (ta xác định đây là mục tiêu chủ yếu), bộ đội ta đã dùng lựu đạn, thủ pháo để tiêu diệt các lô cốt chính, tạo điều kiện cho các tổ xung kích, các mũi tiến công, dưới sự yểm trợ tích cực của hỏa lực bắn thẳng nhanh chóng thọc sâu, đánh hiểm, hình thành thế bao vây, chia cắt địch ngay từ đầu, cô lập từng bộ phận địch để tiêu diệt, quá trình chiến đấu các hướng, mũi chi viện cho nhau kịp thời, thực hiện đánh nhanh, tiêu diệt gọn quân địch.

Nghệ thuật đánh công kiên trong chiến thắng Đồn Nhất tiếp tục được vận dụng sáng tạo và phát huy hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.


Trung tướng, PGS, TS ĐỖ VIẾT TOẢN, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-danh-cong-kien-trong-tran-tien-cong-don-nhat-706288

  • Từ khóa