Công nghệ tương lai của ngành chỉ huy điều khiển

Thứ 2, 17.10.2022 | 11:10:04
704 lượt xem

Trong chiến tranh hiện đại, lực lượng tham gia gồm nhiều quân, binh chủng với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau và các hệ thống chỉ huy điều khiển (CHĐK) riêng đã đặt ra những yêu cầu mới về tốc độ xử lý, tính toán và độ chính xác để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hành tác chiến của bộ đội, nâng cao hiệu suất sử dụng vũ khí, trang bị.

Khi đó, các quyết định cần phải được đưa ra trong thời gian rất ngắn, có thể trong vòng vài giây hoặc gần theo thời gian thực.

Hiện nay, các hệ thống CHĐK được trang bị cho các lực lượng hải quân, lục quân, không quân... với các chức năng, nhiệm vụ riêng và gần như không thể giao tiếp với nhau. Với kiến trúc hiện tại, việc chỉ huy và điều hành tác chiến không đủ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chiến lược quốc phòng, khi mà các quyết định có thể phải đưa ra trong ngày hoặc nhiều giờ. Do đó, các nước lớn, dẫn đầu là Mỹ, đã nghiên cứu và xây dựng một hệ thống chỉ huy, điều hành thống nhất với tên gọi hệ thống chỉ huy và điều khiển thống nhất đa miền (Joint All-Domain Command and Control-JADC2).

JADC2 có thể kết nối, tích hợp theo chiều dọc và chiều ngang các trung tâm CHĐK của các quân, binh chủng ở tất cả các cấp, cũng như với các cơ quan chính phủ dựa trên mạng thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hệ thống này tạo ra một không gian thông tin tích hợp duy nhất, hoạt động theo thời gian thực hoặc gần với thời gian thực, bảo đảm truyền tin cho các hệ thống chỉ huy, cũng như tự động hóa quá trình ra quyết định của chỉ huy các cấp.

Công nghệ tương lai của ngành chỉ huy điều khiển
Minh họa hệ thống chỉ huy và điều khiển thống nhất đa miền. 

Để xây dựng JADC2, Chính phủ Mỹ thành lập một nhóm nghiên cứu chiến lược, phụ trách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhóm nghiên cứu xác định việc truyền dẫn của hệ thống JADC2 sử dụng công nghệ 5G, được xây dựng, phát triển theo 3 hướng chính: Hạ tầng và kiến trúc hệ thống; hệ thống thu thập và xử lý thông tin; hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến.

Hạ tầng và kiến trúc hệ thống được phát triển theo điện toán đám mây, với các giải pháp ảo hóa hạ tầng, cung cấp môi trường đám mây với các ứng dụng cơ bản để phát triển các hệ thống với xu hướng công nghệ chuyển từ thiết kế nguyên khối sang kiến trúc các dịch vụ nhỏ. Với hệ thống thu thập và xử lý thông tin được thiết kế theo hướng linh hoạt, có thể kết nối, xử lý nhiều loại cảm biến, nhiều kiểu dữ liệu khác nhau (các loại radar, sonar, xử lý dữ liệu số, hình ảnh...), có khả năng xử lý hợp nhất độc lập hoặc nhiều loại cảm biến, nhiều loại dữ liệu (ảnh vệ tinh, ảnh siêu phổ, dữ liệu từ UAV, máy bay do thám). Về hệ thống chỉ huy điều hành, sử dụng các công nghệ cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn... để quản lý thông tin chiến trường, đánh giá tình huống, lập kế hoạch tác chiến, lịch chiến đấu, hệ thống hỗ trợ ra quyết định, hệ thống đánh giá sau chiến đấu.

Để phù hợp với xu hướng chỉ huy tác chiến trong tương lai, tiến tới xây dựng một hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến thống nhất toàn quân, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã nghiên cứu phát triển, xây dựng các hệ thống CHĐK trang bị cho các lực lượng: Hệ thống VQ1, VQ2 trang bị cho Quân chủng Phòng không-Không quân; hệ thống HQ cho Quân chủng Hải quân; hệ thống tác chiến điện tử cho Cục Tác chiến điện tử (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam). Các hệ thống này có thể giao tiếp với nhau và sẵn sàng tích hợp vào hệ thống chỉ huy và điều khiển thống nhất đa miền.

Trong thời gian tới, VHT tập trung các hướng chính: Bổ sung, nâng cấp các dịch vụ phân tích, hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, với quy mô khác nhau, tập trung phát triển các sản phẩm khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu mở, ảnh vệ tinh, hàng hải; phát triển các dịch vụ hỗ trợ chỉ huy điều hành và tự động hóa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn... hỗ trợ ra quyết định, chỉ định vũ khí và tự động hóa điều khiển hỏa lực (C5ISR); xây dựng nền tảng sản phẩm C5ISR trên kiến trúc dịch vụ nhỏ tăng khả năng linh hoạt, bảo đảm hiệu năng, khả năng mở rộng và truyền tin tốc độ cao; hoàn thiện dòng sản phẩm CHĐK, máy tính, truyền thông, tác chiến không gian mạng cho hải quân, lục quân và hệ thống C5ISR cho toàn quân.


MAI CHI/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/cong-nghe-tuong-lai-cua-nganh-chi-huy-dieu-khien-708341

  • Từ khóa