Khi 'thánh địa' du lịch bất lực vì khách không đến

Thứ 2, 20.07.2020 | 14:35:18
415 lượt xem

80% số phòng khách sạn bị trống tại quần đảo Canary - nơi vốn là điểm nóng trong mọi mùa hè ở Tây Ban Nha.

Du lịch tại các quốc gia nam Âu, trải dài từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, đang khởi động một cách chậm chạp, dù chính phủ mở rộng cửa đón khách. Nhiều nơi nằm trong danh sách "thánh địa" du lịch của hàng triệu du khách trước đây giờ thưa thớt.

Tiếng nhạc phát ra từ một quán cà phê ven biển ở khu vực nhộn nhịp của Tenerife, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Nhưng không có quá nhiều khách đến, vài bàn vẫn trống.

Một tháng sau khi đất nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì Covid-19, cánh cửa đến nhiều khu nghỉ dưỡng vẫn đóng chặt. Năm 2019, các hãng bay vận chuyển khoảng 15 triệu du khách đến quần đảo này. Nhưng năm nay, công suất các chuyến bay trong tháng 6 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Jorge Marichal, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Tây Ban Nha cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để mọi người biết được thực trạng, là chúng tôi gần như không còn gặp rắc rối với Covid-19. Nhưng tất nhiên chúng tôi không thể tự vận chuyển khách du lịch đến đây".

Du khách đến Lanzarote, thuộc quần đảo Canary. Ảnh: AFP.

Du khách đến Lanzarote, thuộc quần đảo Canary. Giới chức nơi đây cho biết họ ban hành các biện pháp an toàn nghiêm ngặt và yêu cầu mọi người tuân thủ. Các khách sạn đều yêu cầu khách đeo mặt nạ ở nơi công cộng, giới hạn số người ngồi quanh bể bơi. Ảnh: AFP.

Khi số lượng đặt phòng giảm 80%. Italy cố gắng quảng bá du lịch quốc gia để hút khách trở lại bằng cách phát hành các voucher khách sạn trị giá 150 euro cho mỗi người Italy, 500 euro cho mỗi gia đình. Dario Franceschini, Bộ trưởng Văn hóa Du lịch, nói với Quốc hội trong tháng này rằng khoảng 400.000 trái phiếu mua hàng, với trị giá lên đến 183 triệu euro được phát hành. Nhưng giới truyền thông Italy lại vẽ ra một bức tranh ngược lại, kém nhiệt tình hơn. Tờ Corriere della Sera cho biết, chỉ một phần nhỏ các khách sạn ở Italy chấp nhận những voucher từ chính phủ này.

Các chuyến phà đến nhiều hòn đảo ở Hy Lạp hiện giờ cũng chở ít khách hơn, chưa bằng một nửa lượng khách trước đây họ từng đón. Trong 12 ngày đầu tháng 7, lưu lượng khách tại sân bay Athens giảm 75% so với một năm trước. Du lịch ở "đất nước của những vị thần" phục hồi chậm chạp, dù nước này chịu ảnh hưởng của đại dịch ít hơn Italy và Tây Ban Nha nhiều lần.

Hai hướng dãn viên đang đứng chờ du khách ở Lisbon hồi giữa tháng 7. Ảnh: Reuters.

Hai hướng dẫn viên đang đứng chờ du khách ở Lisbon hồi giữa tháng 7. Ảnh: Reuters.

Theo New York Times, sở dĩ lượng khách đến đây sụt giảm trong khi các nước châu Âu đã có các chính sách thông thoáng mở biên là vì, người châu Âu năm nay tập trung du lịch nội địa nhiều hơn. Ít người mạo hiểm nghĩ đến việc đi đâu đó vượt ra ngoài biên giới nước mình, đặc biệt là du khách Anh, Đức và các quốc gia nằm ở phía bắc. Trước đại dịch, đây chính là những người thường đi về phía nam để du lịch, và tiêu xài hàng tỷ euro.

Bên cạnh đó, du khách quốc tế đến từ các lục địa khác cũng rất ít. Hiện tại mới chỉ có 13 nước nằm trong danh sách an toàn được EU chấp nhận cho nhập cảnh, và không có Mỹ.

Lệnh kiểm dịch ở các quốc gia khác cũng ảnh hưởng đến số lượng khách đến nam Âu mùa hè năm nay. Ví dụ điển hình nhất là Anh. Chính sách mới nhất của quốc gia này là bắt buộc những người từ Bồ Đào Nha đến đều phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Điều đó khiến người Anh ngại đến Bồ Đào Nha du lịch và khiến ngành du lịch của nước này thêm khó khăn khi mỗi năm, nơi đây đón một lượng khách không nhỏ từ xứ sở sương mù. Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha gọi đây là chính sách vô lý, bất chấp nước này đang phải vật lộn với sự gia tăng mạnh mẽ các ca lây nhiễm nCoV trong thời gian này.

Các du khách Canada đang đi phà đến La Graciosa, Tây Ban Nha. Ảnh: Javier Fuentes/EPA.

Các du khách Canada đang đi phà đến La Graciosa, Tây Ban Nha. Ảnh: Javier Fuentes/EPA.

Mới đây, Barcelona lại bùng phát dịch quanh các trung tâm du lịch lớn, khiến gần 3 triệu dân được yêu cầu ở nhà vào ngày 17/7 để hạn chế sự lây lan. Cũng trong tháng này, hàng trăm ngàn người dân bị chính quyền ở khu vực Catalonia và Galicia hạn chế đi lại vì dịch bệnh.

Carlos García Pastor là giám đốc tiếp thị của Logitravel Group, một nhà điều hành du lịch Tây Ban Nha có doanh thu khoảng 800 triệu euro năm 2019. Anh cho biết năm nay, dự kiến thu nhập của công ty giảm ít nhất 50%. Nhiều khách hàng đã hủy đặt phòng sau khi nghe về tình hình Covid-19 mới nhất ở đây.


Anh Minh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/khi-thanh-dia-du-lich-bat-luc-vi-khach-khong-den-4132953.html

  • Từ khóa