Chợ vàng giúp thành phố nổi danh khắp thế giới

Thứ 4, 17.02.2021 | 08:26:25
337 lượt xem

Trước đại dịch, thị trường vàng và đồ trang sức chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của UAE, không tính dầu mỏ. Chủ yếu nguồn thu đến từ Dubai.

Dubai có biệt danh là "thành phố vàng", điểm đến nổi tiếng là nơi mua vàng và đá quý với giá cả phải chăng. Nhắc đến Dubai là nhắc đến Gold Souk - chợ vàng danh tiếng tồn tại đến ngày nay. Giá vàng thấp là do nơi này thuế VAT chỉ 5% - mức thuế duy nhất áp dụng đối với vàng, và du khách có thể hoàn thuế. Ngoài ra, bạn có thể mặc cả khi mua vàng, bất chấp tỷ giá công bố mỗi ngày trên thị trường quốc tế.

Du khách có thể đến chợ vàng chụp ảnh trong một số quầy hàng, nhưng một số quầy từ chối cho việc chụp ảnh. Ảnh: Phương Anh

Du khách có thể đến chợ vàng chụp ảnh trong một số quầy hàng, nhưng một số quầy treo biển cấm chụp ảnh. Ảnh: Phương Anh

Khi còn là đứa trẻ, Mihir Vaya đã giúp bố điều hành công việc kinh doanh trang sức của gia đình ở Dubai. Anh từng đi cùng bố qua lạch nước mặn Dubai Creek trên một con thuyền abra để bán hàng. Khi đó Gold Souk chỉ có vài quầy hàng nhỏ, ọp ẹp nằm giữa những chiếc xe ngựa bên bờ. Mihir cũng nhớ tới quãng thời gian ở trong xưởng chế tạo trang sức của bố. Anh cùng chị gái giữ sợi dây vàng để chúng được quấn thành những đồ trang sức tinh xảo.

Ông Ashwin Vaya, bố Mihir, là một trong số hàng nghìn thương nhân buôn vàng, thợ kim hoàn, nghệ nhân và doanh nhân Ấn Độ đổ xô đến Dubai vào cuối thế kỷ 20 để kiếm tiền. Khi đó, ngành buôn bán vàng đang nở rộ.

Ashwin mở rộng kinh doanh, tập trung vào bán buôn trang sức và đến Kuwait để kiếm tiền. Khi chiến tranh Kuwait nổ ra vào năm 1990, ông đến Dubai. Thời đó, chưa có những thương nhân giao dịch lớn.

Mihir bắt đầu theo bố làm việc toàn thời gian vào năm 21 tuổi. Mihir nói: "Chúng tôi lớn lên với công việc kinh doanh đồ trang sức. Chúng tôi chứng kiến cảnh bố đi chợ, được giá tốt. Chúng tôi sẽ đưa abra đến Meena Bazaar. Hồi đó không có thương nhân lớn".

Qua hàng chục năm, Mihir theo dõi thị trường đổi thay, với những cuộc cạnh tranh gắt gao hơn. Khác với trước đây, sản phẩm vàng hiện tại đa dạng hơn. Tuy nhiên, nó ít được làm thủ công và được sản xuất hàng loạt.

Ngày nay, chợ vàng là những con hẻm như mê cung, mái nhà gỗ chạm khắc không thay đổi nhiều so với thể kỷ trước, ngoại trừ sự hiện đại hóa. Sự thay đổi duy nhất tại Dubai Gold Souk là kích thước và phạm vi. Trong những năm qua, khu chợ đã mở rộng từ khoảng 400m2 thành một khu vực rộng hơn 2 km, dài 3 km. Tại đây có hơn 700 thương gia buôn bán. Nhiều cửa hàng thuộc về các hộ gia đình có tuổi đời kinh doanh hàng chục năm.

Vào thời kỳ đầu của Gold Souk, những năm 1900 bờ lạch Dubai Creek chỉ có vài thợ kim hoàn địa phương, buôn bán dọc theo con đường gia vị. Mọi thứ bắt đầu khởi sắc vào những năm 1940, khi chính sách thương mại mới của chính phủ khuyến khích các doanh nhân Iran và Ấn Độ mở cửa hàng. Nhưng phải đến những năm 1970, sau khi thành phố phát triển nhờ dầu mỏ, mọi chuyện mới bước vào giai đoạn hoàng kim.

Jayant Javeri cùng anh trai từ Mumbai, Ấn Độ đến Dubai vào năm 1971. Anh em nhà Javeri lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh vàng, ông nội của họ thành lập một công ty đổi tiền, chuyên bán vàng miếng ở Bahrain. Dù vậy, hai anh em không muốn kế nghiệp cha ông, mà muốn tự mình tạo dựng cơ đồ.

Cửa hàng đầu tiên của họ ở Dubai là một công ty thương mại, chuyên bán vàng qua các đơn đặt hàng từ công ty ông nội. Nhưng vào năm 1990, khi nhận thấy nhu cầu về vàng ở khu vực vùng Vịnh tăng dần, họ thành lập Javeri Jewellery, nơi họ nói là cửa hàng vàng đầu tiên ở chợ Meena Bazaar của Dubai. Ngày nay, Meena Bazaar là nơi có hàng trăm cửa hàng trang sức lớn và cửa hàng do gia đình tự quản, giá bán rẻ hơn một chút so với Gold Souk. Nhưng vào 1990, nơi này chỉ có anh em nhà Javeri và "vài tòa nhà khác".

Chợ vàng cũng là một trong những điểm đến hút khách, được nhiều công ty du lịch đưa vào danh sách dẫn khách tới tham quan trước đại dịch. Ảnh: Phương Anh

Chợ vàng cũng là một trong những điểm đến hút khách, được nhiều công ty du lịch đưa vào danh sách dẫn khách tới tham quan trước đại dịch. Ảnh: Phương Anh

Trong những năm sau đó, hàng nghìn người bắt đầu đổ xô đến Dubai với mơ ước thành công giống những người đi trước. Do đó, những năm 1990 là thời kỳ đỉnh cao cơn sốt vàng ở UAE.

Rajesh Popley lớn lên trong một gia đình kinh doanh trang sức vàng và ngọc trai nước ngọt có tiếng ở Mumbai. Gia đình Popley chuyển đến Dubai và bố mở cho anh một cửa hàng năm 16 tuổi. Dưới sự chỉ dẫn của bố, anh bán được rất nhiều vàng, ngọc trai.

Nhưng mọi thứ đã trải qua một chặng đường dài, lợi nhuận từng rất lớn giờ giảm đi đáng kể. "Đó là một sân chơi hoàn toàn khác", Popley nói về tình hình hiện tại. Anh là chủ của nhiều cửa hàng tại Dubai, Mumbai và cả một quầy hàng đáng mơ ước trong Dubai Mall.

Có rất nhiều áp lực để trở thành người giỏi nhất tại thị trường vàng ngày nay. Với hầu hết thương nhân bán vàng Dubai, bí quyết thành công là họ có lượng khách hàng trung thành, mối quan hệ được hình thành qua nhiều thập kỷ.

Mehul Pethani là một minh chứng. Anh đến Dubai vào năm 2007, hầu như không nói được tiếng Anh và không biết gì về việc buôn bán vàng hay kim cương. Anh lớn lên trong một gia đình nông dân. Nhưng hiện Mehul là một trong những nhân viên bán hàng được săn đón nhất trong thành phố. Hơn 90% khách hàng của anh đều là những người mua thường xuyên.

Bí kíp của anh là trung thực và rõ ràng với khách hàng. Mọi thứ anh bán, dù tốt hay không, anh đều nói rõ với khách hàng. Điều đó mang đến cho anh sự tin tưởng của khách. Họ mua hàng mà không mặc cả vì biết rằng mình đang nhận được mức giá tốt nhất từ Mehul. Bên cạnh đó, những nhân viên bán hàng như Pethani làm việc hoàn toàn dựa trên niềm đam mê và tình yêu công việc. Mehul làm 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày một tuần.

[Rajesh Popley là chủ cửa hàng Al Anwaar Jewelers. Ảnh: Courtesy Al Anwaar Jewellers/CNN

Rajesh Popley là chủ cửa hàng Al Anwaar Jewelers. Ảnh: Al Anwaar Jewellers/CNN

Trước đại dịch, thị trường vàng và trang sức chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, bên ngoài dầu mỏ của UAE, phần lớn trong số đó đến từ Dubai. Ước tính 20-40% lượng vàng dự trữ trên thế giới đi qua Dubai mỗi năm. Covid-19 bùng phát khắp thế giới khiến mọi thứ chậm lại, kể cả việc kinh doanh vàng ở UAE.

Mehul nói đại dịch khiến doanh thu của anh giảm 40%. Mihir và gia đình đã trải qua 6 tháng "kinh hoàng", không biết bao giờ có thể trở về như trước. Anh em nhà Javeri cho biết công việc kinh doanh gần như không tồn tại. Còn Popley vẫn hy vọng vào những ngày tươi sáng hơn ở phía trước.


Anh Minh/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/cho-vang-giup-thanh-pho-noi-danh-khap-the-gioi-4235048.html

  • Từ khóa