Covid-19: “Cú sốc lớn” đối với Nga và phép thử bản lĩnh của ông Putin

Thứ 4, 06.05.2020 | 08:23:16
479 lượt xem

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, mà còn làm sụt giảm tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin.

Nga đã tiến đến mốc “nghiệt ngã” vào cuối tuần qua khi nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong 1 ngày với 10.633 trường hợp. Tính đến ngày 5/5, Nga có tổng cộng 145.268 ca mắc và 1.356 ca tử vong, nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo thống kê của Worldometers. Trong khi đó, thiệt hại do Covid-19 gây ra đối với lĩnh vực kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn.

covid-19:
Chính phủ Nga đã ban hành nhiều gói hỗ trợ các hộ gia đình và những doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: THX.

Cú sốc lớn về kinh tế

Trong một phát biểu trên truyền hình vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, ông chưa từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào như đại dịch Covid-19.

“Tôi chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì như vậy”, ông Anton Siluanov nói, và cho biết thêm giá dầu mỏ trên toàn cầu đã giảm mạnh. Dầu mỏ vốn là 1 trong những nguồn thu chính của Nga, từng tạo ra “cú hích lớn” cho nền kinh tế của nước này.

Tổng thống Putin đang phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng do thiệt hại lớn về mặt kinh tế khi biện pháp phong tỏa kéo dài. Bộ trưởng Lao động Nga tuần trước dự báo sẽ có khoảng 6 triệu người thất nghiệp tại quốc gia này. Nhiều người trong số này sẽ chỉ đủ điều kiện nhận trợ cấp tối đa 200 USD mỗi tháng. Những người khác tự điều hành công việc kinh doanh có thể không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.

“Họ không thể “sống sót” trong tình hình này nếu biện pháp phong tỏa kéo dài”, chính trị gia đối lập Dmitry Gudkov cho biết.

Theo tờ Washington Post, kinh tế Nga đang phải hứng chịu khủng hoảng kép do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá dầu thô sụt giảm. Nhà kinh tế Sergei Guriev, giáo sư tại Viện nghiên cứu chính trị Paris nhấn mạnh: “Nga đang phải chịu một cú sốc chưa từng có. Giá dầu vốn đã xuống mức thấp chưa từng có và đây là biến cố hoàn toàn mới. Sau đó là ảnh hưởng của đại dịch, rồi đến cuộc khủng hoảng kinh tế”.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Tổng thống Putin khuyến khích người lao động ở nhà trong thời gian trong thời gian cách ly xã hội, song vẫn yêu cầu người sử dụng lao động chi trả đầy đủ lương cho họ. Biện pháp này đã tạo gánh nặng lớn đối với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt với việc chi trả các khoản phí thuê mướn và khoản vay trong khi không có thu nhập.

Tổng thống Putin đã công bố một số nỗ lực nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có gói hỗ trợ cho các gia đình có trẻ nhỏ, hoãn thuế và hoãn chi trả các khoản vay cho những doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên ông Putin vẫn chưa triển khai gói kích cầu kinh tế quy mô lớn như ở Mỹ và châu Âu để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vào guồng nhanh chóng.

Nhà kinh tế Sergei Guriev nhận định, Tổng thống Putin coi ngành công nghiệp xây dựng và công nghiệp ô tô là các động lực chính để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng nhưng biện pháp phong tỏa đã khiến nhiều họ gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn đến mức họ không có đủ tiền để chi tiêu hàng ngày chứ đừng nói đến việc mua một chiếc ô tô hay căn hộ mới.

Trước đó hồi tháng 3/2020, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, dự trữ đặc biệt của Nga sẽ có đủ trong khoảng 6 đến 10 năm, đủ để chờ cho đến khi giá dầu phục hồi. Tuy nhiên, nhà phân tích Guriev lại cho rằng, nguồn dự trữ của nước này có thể cạn kiệt sớm hơn, có lẽ chỉ duy trì được đến cuối năm nay.

“Sợ rằng họ sẽ cạn kiệt ngân quỹ trước khi giá dầu phục hồi. Nhiều người Nga hiện tại không có thu nhập, không có tiền tiết kiệm vì thế họ không có đủ đồ ăn. Chính phủ nên làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế  (IMF) dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 5,5% trong năm nay, còn các chuyên gia kinh tế khác cho rằng Nga sắp có cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Phép thử đối với Tổng thống Putin

Cuộc khủng hoảng cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt chính trị đối với Tổng thống Putin. Trong một khảo sát mới do Tổ chức thăm dò độc lập Levada-Center của Nga công bố, 46% số người được hỏi nói rằng chính phủ Nga đã phản ứng phù hợp với dịch bệnh Covid-19.

Dịch bệnh đã làm giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin – nhà lãnh đạo từ trước đến nay luôn được sự đánh giá cao của công chúng. Vào tháng 3/2020, khi giới chức Nga thừa nhận sự lan rộng của virus SARSS-CoV-2 tại nước này, Tổ chức Levada Levada-Center cho biết, tỷ lệ ủng hộ ông Putin giảm xuống còn 63%, mức giảm chưa từng thấy kể từ năm 2013.

Virus SARS-CoV-2 đã “tấn công” Moscow – trung tâm chính trị trọng yếu của Nga. Theo số liệu chính thức, khu vực thủ đô này chiếm khoảng 1 nửa số trường hợp mắc Covid-19 trên toàn quốc. Phe đối lập đã nhân cơ hội này để tăng cường chỉ trích ông Putin, đặc biệt là phản ứng về kinh tế của Điện Kremlin đối với cuộc khủng hoảng. Lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny đã kêu gọi khai thác Quỹ Phúc lợi Quốc gia – nguồn kinh phí 165 tỷ USD được tạo ra do giá năng lượng được đẩy lên cao trước đây để giúp các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ phục hồi. Nhưng người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ đề xuất của ông Navalny, cho rằng đây là ý tưởng “dân túy” và “hời hợt”.

Trong cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Putin nói với các quan chức hàng đầu của chính phủ về sự cần thiết phải mang lại “kết quả thiết thực” cho người  dân Nga đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh.

“Bạn nghĩ sao về việc cần phải có bảo hiểm đặc biệt cho những chuyên gia y tế đang mạo hiểm tính mạng và sức khỏe của họ để giúp đỡ các bệnh nhân? Tiếp đến là khoản hỗ trợ 5.000 rúp hàng tháng/ 1 trẻ em đến 3 tuổi cho các hộ gia đình. Tôi muốn thông báo về những biện pháp này và cần xem xét liệu sự hỗ trợ đó có mang lại lợi ích cho người dân hay không”, ông Putin phát biểu.

Trước đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết, nước này vẫn “thiếu hụt một số trang thiết bị y tế, kỹ thuật và nguyên vật liệu sử dụng 1 lần”, mặc dù năng suất sản xuất khẩu trang đã được tăng lên gấp 10 lần trong tháng 4 và có hơn 100.000 trang thiết bị bảo hộ được sản xuất mỗi ngày. "Chúng tôi đã tập trung và huy động tất cả các nguồn lực công nghiệp của mình", ông nói.

Hôm qua (4/5), chính phủ Nga đã ra mắt 1 cổng thông tin trực tuyến dành cho công dân và các doanh nghiệp muốn tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ.

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng, Nga đã thể hiện sự vững vàng của nước này qua việc đối phó với các biện pháp trừng phạt quốc tế sau sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Song ông cũng thừa nhận để phục hồi sau đại dịch, nước Nga sẽ mất một thời gian dài.

Tổng thống Putin đã phải hoãn cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp trên toàn quốc, được cho là có thể mở đường cho ông nắm quyền đến năm 2036. Trong bối cảnh biện pháp phong tỏa kéo dài và dịch bệnh ngày càng lan rộng, Điện Kremlin đang đối mặt với câu hỏi liệu nước Nga có phải sử dụng đến biện pháp can thiệp kinh tế mạnh mẽ như ở Mỹ hay châu Âu hay không./.


Hồng Anh/ VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/covid19-cu-soc-lon-doi-voi-nga-va-phep-thu-ban-linh-cua-ong-putin-1045134.vov

  • Từ khóa