Thế giới “nín thở” chờ đợi “liều vaccine” cho quan hệ liên Triều

Thứ 5, 11.06.2020 | 14:46:47
500 lượt xem

Căng thẳng Hàn-Triều tưởng như vỡ bung cùng với sự bất an vẫn đang tồn tại do đại dịch Covid-19 trong những ngày qua liệu có thể hóa giải?

Động thái hạ nhiệt căng thẳng của Hàn Quốc

Theo kết quả điều tra độc lập của Công ty điều tra dư luận Hàn Quốc vừa công bố sáng nay (11/6) liên quan đến Dự luật cấm rải truyền đơn phê phán Triều Tiên cho thấy, 50 % tán thành việc xây dựng luật, 41,1% phản đối. Thời gian tiến hành điều tra vào ngày 10/6 trong nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

the gioi
Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, sau khi tiếp nhận thông tin tại một số khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có rải truyền đơn phê phán Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 4/6 đã tỏ ý bất mãn về việc này đối với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo rằng trong trường hợp chính quyền Hàn Quốc không đưa ra biện pháp ngăn chặn việc rải truyền đơn, có khả năng Triều Tiên sẽ phá bỏ thỏa thuận với Hàn Quốc được ký kết nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều diễn ra vào tháng 9/2018.

Ngay lập tức, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã thảo luận về việc xây dựng Dự luật quy định về việc rải truyền đơn.

Trong khi đó, vào ngày hôm qua (10/6), Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chỉ đích danh hai tổ chức “Kuensaem” và “Những chiến binh chiến đấu vì tự do Triều Tiên” đã vi phạm Luật Hợp tác và Trao đổi liên Triều khi rải truyền đơn kèm theo những thông điệp chống phá Triều Tiên kèm theo gạo và thuốc men sang biên giới Triều Tiên.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, từ trưa 9/6, việc liên lạc qua điện thoại với Triều Tiên đã không thể thực hiện được.

Thông thường, hai bên vẫn duy trì liên lạc với nhau qua điện thoại thông qua Văn phòng liên lạc chung có ở Kaesong (Triều Tiên). Tuy nhiên, trong những ngày này, phía Triều Tiên không có tín hiệu trả lời, mặc dù phía Hàn Quốc đã liên lạc nhiều lần. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phía Triều Tiên cho đến nay chưa có một văn bản hay một thông báo nào về việc này.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc liên lạc giữa hai bên phải được duy trì dựa trên thỏa thuận đã được ký kết trước đó. Chính phủ Hàn Quốc luôn tôn trọng thỏa thuận này và sẽ nỗ lực hết sức hướng tới thiết lập hòa bình, phồn vinh trên Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ “thất vọng”, Trung Quốc “ve vuốt”

Trả lời phỏng vấn với Đài truyền hình KBS qua email, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước động thái cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc của Triều Tiên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này luôn ủng hộ quan hệ liên Triều, qua đó kêu gọi Bình Nhưỡng duy trì hoạt động ngoại giao và quay lại bàn đàm phán. Đặc biệt, quan chức này khẳng định Mỹ luôn hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh Hàn Quốc khi tiếp xúc với Triều Tiên.

Ngày mai là ngày kỷ niệm hai năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore (12/6/2018), Mỹ vẫn kiên trì lập trường sử dụng biện pháp ngoại giao để dẫn dắt Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, như cam kết trước đó giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này cho thấy Washington không muốn việc quan hệ liên Triều xấu đi ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Triều.

Tuy nhiên, liên quan đến việc Triều Tiên dừng liên lạc với Hàn Quốc, ngày hôm nay (11/6), Cục trưởng Cục Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã không hài lòng về quan điểm của Mỹ và khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Triều Tiên mà “không ai có quyền đưa ra quan điểm”, đồng thời gay gắt cảnh báo Mỹ “nên chú tâm vào công việc của mình thì  tốt hơn”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm Hàn Quốc và Triều Tiên là một dân tộc, do đó, quan hệ hai nước đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh mong muốn hai nước cải thiện quan hệ song phương thông qua đối thoại.

Các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc như Đài phát thanh và truyền hình Trung Quốc CCTV, Thời báo Hoàn cầu (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cũng lần lượt đưa tin về vụ việc Bình Nhưỡng cắt mọi đường dây liên lạc với Seoul, nhưng tránh đưa ra bình luận hay nhận xét.

Dư luận có những phản ứng khác nhau về quyết định của phía Triều Tiên. Một viễn cảnh không mấy khả quan được dự báo là Triều Tiên sẽ “đoạn tuyệt” với Hàn Quốc, khiến những công sức mà hai bên nỗ lực trong mấy năm qua “đổ sông, đổ biển”. Bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng bất an, cảnh giác lẫn nhau.

Hy vọng cuối con đường

Mặc dù quan hệ Hàn-Triều đang xấu đi, nhưng điện thoại liên lạc trực tiếp giữa Liên Hợp Quốc với quân đôi Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc) và một đầu tại tòa nhà Panmungak phía Triều Tiên vẫn chưa bị gián đoạn. Dù vậy, vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của kênh liên lạc với Liên Hợp Quốc trong thời gian tới hay không.

Năm 2013, Triều Tiên đã tuyên bố hủy Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc và đơn phương cắt đứt kênh liên lạc trực tiếp với Liên Hợp Quốc. Liên lạc chỉ được khởi động lại từ  tháng 7/2018 sau khi căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc phần nào được giải tỏa.

Một số ý kiến nhận định do Hiệp định đình chiến vẫn còn hiệu lực ràng buộc nên có thể Triều Tiên sẽ duy trì kênh liên lạc trực tiếp với Liên Hợp Quốc để quản lý cũng như duy trì hiệp định này. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn mong muốn quan hệ Hàn-Triều sẽ phát triển đóng góp vào hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy những ngày qua, sự việc rải truyền đơn phê phán Triều Tiên khiến nước này “nổi nóng” và phản ứng tức thì, nhưng với nỗ lực của Hàn Quốc bằng việc xây dựng Dự Luật rải truyền đơn, “vạch trần” kẻ rải truyền đơn là những tổ chức có yếu tố là người tị nạn Triều Tiên, có thể Triều Tiên sẽ “nghĩ lại” và bình thường hóa quan hệ hai nước vốn đang dần tốt đẹp lên trong những năm qua.

Riêng giới phân tích cho rằng, có thể quan hệ Hàn-Triều sẽ dịu xuống, nhưng những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ tăng lên trong thời gian tới. Cả thế giới sẽ lại trở về thế “dùng dằng” mà Triều Tiên là tâm điểm. Trong trường hợp ông Donald Trump tái cử Tổng thống ở nhiệm kỳ mới, chưa chắc quan điểm về Triều Tiên sẽ duy trì như cũ. Tổng thống Mỹ có thể có những biện pháp mạnh mẽ và dứt khoát, hoặc thậm chí là hành động “dằn mặt” Triều Tiên. Ở viễn cảnh xấu nhất, những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên sẽ như "dã tràng xe cát" nếu Mỹ hành động như vậy.

Mặc dù vậy, giữa bối cảnh giá trị nhân sinh quan của các nước trên thế giới có những thay đổi sau đại dịch Covid-19, căng thẳng song phương, khu vực hay toàn cầu có khả năng sẽ được giải quyết mềm mỏng hơn, hướng tới giá trị nhân văn hơn và thế giới vẫn đang trông chờ một "liều vaccine" cho quan hệ Hàn-Triều./.


Bùi Hùng/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-nin-tho-cho-doi-lieu-vaccine-cho-quan-he-lien-trieu-1058481.vov

  • Từ khóa