Trung Quốc mắc sai lầm khi thổi bùng căng thẳng với Australia?

Chủ nhật, 14.06.2020 | 09:11:50
674 lượt xem

Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố không bao giờ lo sợ trước những mối đe dọa hoặc từ bỏ các giá trị trước sự “cưỡng ép” từ Trung Quốc.

Thất bại về mặt ngoại giao của Trung Quốc

Khi Australia lần đầu tiên đề xuất một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, điều khiến quan hệ giữa quốc gia này với Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đã có nhiều phản ứng trái chiều tại Canberra.

trung quoc mac sai lam khi thoi bung cang thang voi australia? hinh 1
Ảnh minh họa: Thời báo Hoàn cầu.

Key Stokes – một trong những nhà tài phiệt giàu có nhất Australia, trong cuộc phỏng vấn với tờ West Australian cảnh báo, không nên “chọc giận nhà cung cấp nguồn thu lớn nhất của chúng ta”, còn ông trùm khai khoáng Andrew Forrest kêu gọi trì hoãn một cuộc điều tra như vậy.

Các cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr và Gareth Evans đã chỉ trích chính phủ gây ra những căng thẳng không đáng có bằng cách biến việc tìm kiếm câu trả lời hợp lý thành một câu chuyện công khai, thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao thầm lặng. Tại bang Victorria, quan chức phụ trách tài chính bang này chỉ trích chính phủ liên bang “làm mất mặt đối tác thương mại lớn nhất của đất nước” và khiến các nhà xuất địa phương phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Nhưng khi Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép lên các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Australia, những giọng điệu thúc giục “dàn hòa” với Trung Quốc dường như đã “biến mất” khỏi cuộc đối thoại quốc gia, trong đó có cả sự tham gia của phe cứng rắn và phe ôn hòa.

Sau khi áp đặt những hạn chế đối với việc nhập khẩu thịt bò và lúa mạch của Australia, Trung Quốc đã khuyến cáo công dân nước này không đi tới hay học tập tại Australia do lo ngại hành vi phân biệt chủng tộc. Điều này đã gây ra sự giận giữ và bất bình ở Canberra đến mức các nhà quan sát vấn đề ngoại giao chưa từng chứng kiến trước đó.

James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc cho biết, hiện tại không có bất cứ tiếng nói nào thể hiện sự đồng cảm với những động thái mới nhất của Bắc Kinh, trái ngược với giọng điệu ôn hòa cho rằng cần phải duy trì sự gắn kết với quốc gia này trước khi cuộc điều tra Covid-19 được đề xuất.

“Trung Quốc đã gây sức ép quá mức đối với Australia và đó là thất bại về mặt ngoại giao của Bắc Kinh”, ông James Laurenceson cho biết.

Một số nhà quan sát cho rằng, khuyến cáo về hành vi phân biệt chủng tộc mà Trung Quốc đưa ra được coi là cái cớ để nước này thực hiện thêm nhiều hành động trả đũa về kinh tế liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 mà giới chức Trung Quốc cho là một chiến dịch “bôi nhọ chính trị”.

Australia không thể “khoanh tay đứng nhìn”

Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia mô tả tình hình hiện nay là “cuộc chiến thương mại không cân xứng giữa Australia và Trung Quốc”. “Trung Quốc càng đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương, thì sẽ càng có ít tiếng nói ôn hòa kêu gọi gây dựng một mối quan hệ tốt hơn với nước này. “Sự chia tách có thể giải thích được, nhưng khi các biện pháp trừng phạt ngày càng gia tăng, thật khó để biện minh rằng Trung Quốc không có ý định dùng thương mại làm công cụ gây sức ép”.

Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã áp thuế 80% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia và đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ ở nước này. Bắc Kinh khẳng định những biện pháp này liên quan đến việc vi phạm quy định kiểm tra, kiểm dịch và hành vi thương mại không công bằng. Động thái này diễn ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Australia tháng 4 vừa qua cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Australia do nước này đề xuất điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

“Tâm lý phản đối Trung Quốc tại Australia đã dâng cao đến mức những người tư vấn giữ quan hệ hòa hảo với Bắc Kinh, chẳng hạn như ông trùm khai khoáng Andrew Forrest đã bị gọi là “kẻ phản bội”, Salvatore Babones, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney nhận xét. “Trung Quốc càng cứng rắn thì Australia càng phản ứng mạnh mẽ”.

Trong một phát biểu hôm 11/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ không bao giờ lo sợ trước những mối đe dọa hoặc từ bỏ các giá trị của mình trước sự “cưỡng ép” từ Trung Quốc hoặc bất cứ nơi đâu.

Sự sụt giảm kéo dài số lượng sinh viên và du khách quốc tế có thế giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch và giáo dục quốc tế của Australia, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, có khoảng 1,4 triệu du khách Trung Quốc thăm Australia mỗi năm, chi tiêu khoảng 8,3 tỷ USD. Sinh viên Trung Quốc cũng là động lực chính giúp thúc đẩy lĩnh vực giáo dục quốc tế của Australia, chiếm khoảng 11% lượng du học sinh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang căng thẳng trong những năm gần đây, khi mối lo ngại về an ninh quốc gia vượt lên trên những lợi ích về kinh tế, khiến Australia – một đồng minh chủ chốt của Mỹ thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài, cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G tại nước này. Tuy nhiên, tiếng nói trong giới học thuật và kinh doanh, hối thúc theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa với Bắc Kinh vẫn lấn át quan điểm cứng rắn, dù sự hoài nghi về mục đích của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Delia Lin, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Melbourne cho biết, các động thái gần đây của Trung Quốc đã gây “sốc và thất vọng” bởi chúng nhằm vào các doanh nghiệp đã tích cực “hợp tác và ủng hộ chính Trung Quốc”.

“Một số công ty nói với tôi rằng, họ rất sốc và thất vọng với những hành động mà Trung Quốc đang thực hiện để hạ bệ Australia. Những khuyến cáo mà Bắc Kinh đưa ra khiến nhiều người ngạc nhiên, dù đó không phải là khuyến cáo đầu tiên chống lại Australia mà Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành. Ngôn từ hoàn toàn khác biệt ở thời điểm này. Nó nhằm mục đích tạo ra tác động tiêu cực kéo dài đối với lĩnh vực giáo dục quốc tế ở Australia”, chuyên gia Delia Lin cho biết.

Lu mờ triển vọng cải thiện quan hệ song phương

Dominic Meagher, chuyên gia thuộc Đại học Australia có 15 năm kinh nghiệm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cho biết: “Tâm lý của người Australia đã thay đổi và họ ít quan tâm đến việc liệu Bắc Kinh có tức giận với họ hay không”. “Logic ở đây là nếu Trung Quốc giận dữ với bất cứ ai vì những vấn đề hết sức nhỏ nhặt, thì thay vì cố gắng xoa dịu cơn giận của họ, tốt hơn là sống chung với cơn giận đó”.

Bắc Kinh không thừa nhận có bất cứ mối liên hệ nào giữa khuyến cáo đi lại hoặc hạn chế thương mại liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hồi đầu tuần này bày tỏ hy vọng Australia có thể hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đằng và cùng có lợi, giúp thúc đây quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Ông Mobo Gao, giáo sư người Australia gốc Hoa, tại Đại học Adelaide cho biết, người Australia ngày càng xem việc cải thiện quan hệ là vô vọng với tình hình hiện nay, trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông, một số lượng lớn người dân Trung Quốc cho rằng “Bắc Kinh đã chịu đựng sự kiêu ngạo của Australia quá lâu”.

Khi sự chia tách ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Canberra, giới quan sát đã xem xét đến khả năng có thể nhen nhóm chút hy vọng về sự “tan băng”. Trước đây, Trung Quốc luôn cố gắng thân thiện hơn với các quốc gia khác khi quan hệ giữa nước này với Mỹ xấu đi”, ông Yun Jiang, giám độc Trung Tâm chính sách Trung Quốc – một tổ chức nghiên cứu đọc lập cho biết.

“Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang thấy Australia nghiêng về phía Mỹ, vì vậy họ không có khả năng sử dụng chiến lược tương tự đối với nước này. Các hành động gần đây của Bắc Kinh đã thể hiện sự đối đầu với Australia. Điều này, cùng với tâm lý hoài nghi Trung Quốc liên quan đến dịch Covid-19, sẽ dẫn đến việc không còn nhiều tiếng nói ủng hộ Trung Quốc cũng như những lời kêu gọi cải thiện quan hệ song phương tại Australia”./.


Hồng Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-mac-sai-lam-khi-thoi-bung-cang-thang-voi-australia-1059446.vov

  • Từ khóa