Ấn Độ quyết không trở lại RCEP

Thứ 2, 06.07.2020 | 09:54:49
486 lượt xem

Việc rút khỏi RCEP cũng được cho là phù hợp với lời kêu gọi "tự lực, tự cường" về kinh tế mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra mới đây.

Chính phủ Ấn Độ sẽ không xem xét lại quyết định ngừng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) trong bối cảnh các nước tham gia đàm phán đang phấn đấu hoàn tất thỏa thuận này vào cuối năm nay. Nguyên nhân được khẳng định là do mối quan hệ đang căng thẳng với Trung Quốc, một thành viên tham gia RCEP.

an do quyet khong tro lai rcep hinh 1
Ảnh minh họa (Nguồn: The Strait Times)

Các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ còn cho biết, New Delhi quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc. Điều này càng được nhấn mạnh sau đại dịch Covid-19 và cuộc đối đầu căng thẳng tại biên giới với Trung Quốc hơn 2 tháng qua. Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP năm 2019.

Những thông tin này xuất hiện sau khi Thái Lan cho biết, tất cả các nước tham gia RCEP đã quyết định ký kết hiệp định này vào cuối năm 2020 và thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ giữa năm 2021. Ấn Độ có thể lựa chọn ký kết thỏa thuận này vào một thời điểm muộn hơn nếu muốn.

RCEP hiện có 15 thành viên tham gia đàm phán gồm 10 quốc gia ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malasia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng 5 đối tác thương mại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.  

Một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết, New Delhi đưa ra quyết định cuối cùng về RCEP sau vụ đụng độ đẫm máu với quân đội Trung Quốc hôm 15/6 tại thung lũng Galwan làm 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.

Sau sự cố tại thung lũng Galwan, xuất hiện nhiều lời kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc. Hồi tháng 4, New Delhi còn áp đặt thêm các hạn chế ngặt nghèo hơn với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung chủ yếu vào Trung Quốc.

Việc rút khỏi RCEP cũng được cho là phù hợp với lời kêu gọi "tự lực, tự cường" về kinh tế mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra với người dân và doanh nghiệp Ấn Độ mới đây.

Quan chức này cho biết thêm, về mặt chính trị, Chính phủ Ấn Độ sẽ không thay đổi quan điểm về việc gia nhập RCEP, ngay cả khi các điều kiện trong thỏa thuận có thay đổi theo hướng có lợi hơn cho Ấn Độ.

Ấn Độ rời khỏi các cuộc đàm phán RCEP tháng 11/2019. Tuy nhiên, quan điểm của các bên lúc đó là nước này sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề còn có tranh cãi trong tương lai, như khả năng mở cửa thị trường lớn hơn cho hàng hóa Ấn Độ và các quan ngại về vấn đề thuế.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ Rajiv Bhatia, hiện là thành viên của Gateway House – một Hội đồng nghiên cứu về quan hệ toàn cầu tại Mumbai, Ấn Độ cho rằng, đặt trong bối cảnh các quyết định kinh tế và các diễn biến địa chính trị gần đây, Ấn Độ khép lại cánh cửa với RCEP. Chuyên gia này cũng nhận định vì quyết định của Ấn Độ, nhiều nước không phải thành viên của ASEAN có thể sẽ xem lại các lựa chọn với RCEP. Theo ông, với các quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand rất khó để có thể tìm được sự gắn kết nội bộ về các vấn đề địa chính trị và thương mại./.


Phan Tùng/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/an-do-quyet-khong-tro-lai-rcep-1067610.vov

  • Từ khóa