Mỹ sẽ giảm sự hiện diện quân sự tại Iraq

Thứ 5, 10.09.2020 | 09:21:19
360 lượt xem

Ngày 9-9, quân đội Mỹ chính thức thông báo giảm sự hiện diện của lực lượng này tại Iraq từ 5.200 binh sĩ xuống còn 3.000 binh sĩ trong tháng 9. Phát biểu trong chuyến công du Iraq, Đại tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, tuyên bố: "Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng các chương trình phát triển năng lực đối tác nhằm hỗ trợ các lực lượng Iraq và cho phép chúng tôi giảm bớt sự hiện diện ở Iraq".

Quyết định rút quân Mỹ khỏi Iraq từng được đề cập nhiều lần trong các cuộc trao đổi giữa hai bên. Tháng trước, trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi lần đầu tiên tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định, Mỹ sẽ rút quân khỏi Iraq, tuy nhiên không đưa ra thời gian cụ thể để thực hiện kế hoạch trên. Trước đó, hồi tháng 6, Mỹ và Iraq ra tuyên bố chung khẳng định cam kết sẽ cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq trong vài tháng, song không nêu con số cụ thể. Tuyên bố được đưa ra tại cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên giữa hai nước trong hơn một thập kỷ qua, vài tháng sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả binh sĩ nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Iraq sau vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ ở Baghdad khiến một chỉ huy quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng, dẫn tới gia tăng căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Mỹ sẽ giảm sự hiện diện quân sự tại Iraq
Binh sĩ Mỹ tại Iraq dự kiến sẽ giảm gần một nửa. Ảnh: Aljazeera.


Bên cạnh việc rút quân khỏi Iraq, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng dự định sẽ thông báo giảm quân số Mỹ ở Afghanistan, nguồn tin Fox News cho hay. Quân số Mỹ ở Afghanistan có khả năng sẽ giảm xuống còn 4.000-5.000 binh lính so với số lượng hiện nay.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang gần kề, động thái trên có thể giúp Tổng thống Donald Trump thuyết phục cử tri rằng, ông đang nỗ lực thực hiện lời hứa tranh cử: Chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào "những cuộc chiến không hồi kết".

Nhiều chuyên gia cho rằng, với mục tiêu đầy tham vọng là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, chính sách của Washington tại khu vực Trung Đông đang phát triển theo xu hướng thực dụng, tối đa hóa lợi ích của Mỹ và đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu trong mọi tính toán chiến lược đối với khu vực. Bởi vậy, chính quyền Tổng thống Trump đã và đang nỗ lực hạn chế sự dàn trải sức mạnh ở nước ngoài, tránh phiêu lưu trong các cuộc chiến không có mục tiêu rõ ràng.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Phát triển Mỹ hồi đầu năm cho thấy, người dân Mỹ muốn các nhà lãnh đạo tập trung vào việc xây dựng đất nước và “can dự có kiểm soát” trên toàn cầu. Đây có lẽ cũng là cách tiếp cận đối với vấn đề Trung Đông mà chính quyền Tổng thống Trump mong muốn thể hiện cho cử tri thấy qua những tuyên bố về Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, giảm sự hiện diện quân sự tại một số quốc gia Trung Đông không đồng nghĩa vai trò của Mỹ suy giảm, bởi Washington sẽ tìm những công cụ khác để duy trì và củng cố ảnh hưởng của mình, từ đó bảo đảm lợi ích chiến lược ở khu vực. Theo các chuyên gia, đó có thể là việc xây dựng và mở rộng liên minh trong khu vực như cách mà Mỹ đang làm để tìm kiếm các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các quốc gia Arab, hoặc thậm chí là kiềm chế các chính quyền mà Mỹ coi là "đối địch" hay chi phối và kiểm soát nguồn dầu mỏ.

NGỌC HÂN/qdnd

https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-se-giam-su-hien-dien-quan-su-tai-iraq-634769

  • Từ khóa