Hội đồng Bảo an yêu cầu phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ ở Myanmar

Thứ 6, 05.02.2021 | 14:43:57
899 lượt xem

Trong thông báo, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này hôm 1/2, cũng như việc bắt giữ các thành viên chính phủ.

Sáng 5/2 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra thông cáo báo chí trước những diễn biến chính trị bất ngờ tại Myanmar. Động thái này của Hội đồng Bảo an được đưa ra sau khi có thông tin Tổng thống Myanmar U Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ bị tạm giam đến ngày 15/2 cũng như có hàng chục nghị sỹ tuyên thệ nhậm chức bất chấp yêu cầu phải rời khỏi thủ đô Nay Pyi Taw.

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ nước này. Ảnh minh họa: WSJ

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ nước này. Ảnh minh họa: WSJ

Bà Barbara Woodward, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 2 kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục ủng hộ tiến trình chuyển giao dân chủ và kiềm chế bạo lực ở Myanmar. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, kiềm chế bạo cũng như khuyến khích theo đuổi đối thoại và hòa giải phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân Myanmar”.

Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các tổ chức khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch ngày 1/2 của ASEAN.

Thông báo phát ra này có được sự đồng thuận của cả 15 nước thành viên, các nước cũng tái khẳng định cam kết ủng hộ đối với chủ quyền, sự độc lập về chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thông nhất của Myanmar.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các tướng lĩnh của Myanmar “từ bỏ quyền lực” và yêu cầu họ trả tự do cho các lãnh đạo dân sự đang bị bắt giữ. Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden cũng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Myanmar. Phát biểu của ông Biden diễn ra vài giờ sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, Nhà Trắng đang "xem xét các biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể đối với cả các cá nhân và thực thể do quân đội kiểm soát”.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình tại Myanmar vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này, hàng chục nghị sĩ Myanmar vẫn tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức.

Nghị sĩ Daw Phyu Phyu Thin thuộc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) gọi buổi tuyên thệ nhậm chức là “một phiên triệu tập của Quốc hội Myanmar”.

 “Các đại diện của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ được nhân dân bầu chọn. Không ai có thể tước bỏ tính hợp pháp của tư cách nghị sĩ mà nhân dân đã trao cho chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi tuyên thệ với tư cách là nghị sĩ, và điều này là vì nhân dân”, ông Daw Phyu Phyu Thin nói.

Buổi tuyên thệ được tổ chức trong bối cảnh quân đội Myanmar ngày đã yêu cầu khoảng 400 nghị sĩ được bầu phải rời khỏi thủ đô Nay Pyi Taw trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chính phủ quân sự sau đó cho phép hơn 70 nghị sĩ được ở lại đến ngày 6/2.

Theo các nhà phân tích, tình trạng khẩn cấp tại Myanmar có thể còn kéo dài, trong những tháng tới sẽ có thêm những hạn chế mà chính quyền quân sự ban hành./.


Vũ Anh Tuấn/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/hoi-dong-bao-an-yeu-cau-phai-duy-tri-cac-the-che-va-quy-trinh-dan-chu-o-myanmar-835645.vov

  • Từ khóa