Các mục tiêu quan trọng của Trung Quốc

Thứ 7, 06.03.2021 | 15:53:38
246 lượt xem

Bất chấp những chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc cam kết thúc đẩy các mối quan hệ dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi

Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 5-3, với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu.

Theo bản Ngân sách Quốc gia được công bố cùng ngày, Trung Quốc dự kiến nâng chi tiêu quốc phòng năm nay lên 210 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm ngoái. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là một trong những số liệu được theo dõi sát sao, bởi nó cho thấy mức độ mà Bắc Kinh thúc đẩy năng lực quân sự trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh leo thang vì hàng loạt vấn đề, trong đó có biển Đông.

Theo chuyên gia Li Nan của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, mức tăng nêu trên đầy tham vọng, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế năm ngoái của Trung Quốc chỉ đạt 2,3% vì đại dịch Covid-19.

Về GDP, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6%, bất chấp tình trạng bất ổn toàn cầu tiếp diễn vì Covid-19. Dù vậy, đây vẫn bị xem là một mục tiêu "khá khiêm tốn" nếu so với những dự đoán rằng kinh tế nước này có thể tăng từ 7%-9%. Năm ngoái, GDP của Trung Quốc vẫn tăng 2,3%, giúp họ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất phát triển giữa đại dịch.

Các mục tiêu quan trọng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3 Ảnh: REUTERS

"Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dễ dàng vượt ngưỡng 6% trong năm 2021… Đây là một mục tiêu linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hoạch định chính sách" - chuyên gia kinh tế Yue Su của Cơ quan nghiên cứu kinh tế The Economist Intelligence Unit (Anh) nói.

Đáng chú ý về mặt kinh tế, Bắc Kinh công bố kế hoạch 5 năm (2021-2025) nhằm xây dựng "Con đường tơ lụa vùng cực", qua đó tích cực tham gia phát triển vùng cực thông qua việc "tham gia hợp tác thực tế ở Bắc Cực" và "nâng cao khả năng tham gia vào việc bảo vệ và sử dụng Nam Cực".

Theo Reuters, Trung Quốc từ lâu để mắt đến các nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, cũng như các tuyến đường biển tiềm năng ở các vùng cực khi băng tan.

Về Hồng Kông, Bắc Kinh đề xuất dự luật điều chỉnh ủy ban bầu chọn đặc khu trưởng, giúp chính quyền trung ương có thêm quyền hạn trong việc đề cử các ứng viên lập pháp. Ông Wang Chen, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ NPC, khẳng định "bạo loạn và bất ổn" ở Hồng Kông rõ ràng cho thấy "những sơ hở và thiếu sót" trong hệ thống bầu cử, do đó cần phải điều chỉnh để bảo đảm Hồng Kông chỉ được quản lý bởi "những người yêu nước".

Theo đài CNBC, trước khi dự luật nêu trên được công bố, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết đề phòng và ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Hồng Kông. Song song đó, khẳng định Bắc Kinh vẫn giữ "nguyên tắc một Trung Quốc", Thủ tướng Lý Khắc Cường còn nhấn mạnh Bắc Kinh quyết ngăn chặn mọi hoạt động ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, quyết thúc đẩy mối quan hệ hòa bình giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan và việc tái thống nhất của Trung Quốc.

Tại phiên khai mạc nêu trên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung dựa trên cơ sở "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau" để đôi bên cùng có lợi nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Cũng trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra "mối quan hệ ngày càng đối đầu với Trung Quốc" là thách thức then chốt mà Mỹ phải đối mặt, còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả Trung Quốc là "thử thách địa chính trị lớn nhất" của thế kỷ này.


Cao Lực/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cac-muc-tieu-quan-trong-cua-trung-quoc-20210305214221173.htm

  • Từ khóa