Nhiều nước ủng hộ hiệp ước quốc tế ứng phó với các đại dịch

Thứ 4, 31.03.2021 | 08:21:08
252 lượt xem

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành và diễn biến phức tạp trên toàn cầu với sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới, nhiều lãnh đạo trên thế giới nhận thấy cần phải có một hiệp ước quốc tế để ứng phó với các đại dịch.

Theo Reuters, ngày 30-3, lãnh đạo nhiều quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thể hiện sự ủng hộ đối với ý tưởng thiết lập một hiệp ước quốc tế giúp thế giới đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai như đại dịch Covid-19 đang tấn công toàn cầu. 23 nước ủng hộ bao gồm: Fiji, Bồ Đào Nha, Romania, Anh, Rwanda, Kenya, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad và Tobago, Hà Lan, Tunisia, Senegal, Tây Ban Nha, Na Uy, Serbia, Indonesia và Ukraine. “Sẽ có những đại dịch khác và những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe lớn khác. Không một chính phủ hoặc tổ chức đa phương nào có thể giải quyết mối đe dọa này một mình. Với tư cách là lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế, chúng tôi tin rằng trách nhiệm của mình là bảo đảm thế giới rút ra được bài học từ đại dịch Covid-19”, các nhà lãnh đạo nêu rõ trong thông cáo chung được đăng trên các báo lớn. Trên tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, lãnh đạo 23 quốc gia nêu trên, trong đó có: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, các quốc gia phải làm việc cùng nhau để tạo ra một hiệp ước quốc tế mới về việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Cam kết tập thể mới này sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc chống lại đại dịch ở cấp độ chính trị cao nhất”. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng chỉ ra rằng, một hiệp ước quốc tế như vậy sẽ được xây dựng dựa trên các thỏa thuận toàn cầu hiện có trong lĩnh vực y tế.

Nhiều nước ủng hộ hiệp ước quốc tế ứng phó với các đại dịch
Hiệp ước quốc tế ứng phó với các đại dịch sẽ giúp bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận vaccine. Ảnh: Reuters 

Mục tiêu chính của hiệp ước này là tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các đại dịch trong tương lai thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn; chia sẻ dữ liệu, hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Theo các nhà lãnh đạo, sức khỏe của con người, các loài động vật và trái đất đều liên quan với nhau. Do đó, để bảo đảm cho sự sống của hành tinh đòi hỏi trách nhiệm chung, sự minh bạch và hợp tác toàn cầu.

Ý tưởng xây dựng một hiệp ước quốc tế về các đại dịch đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11 năm ngoái. Theo ông Michel, hiệp ước này sẽ giúp bảo đảm quyền tiếp cận công bằng vaccine, thuốc điều trị và phương pháp chẩn đoán khi đại dịch xảy ra. Sau đó, hồi đầu tháng 12-2020, khi đề cập tới hiệp ước trên tại phiên họp đặc biệt trực tuyến của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dịch Covid-19, ông Michel nhấn mạnh: “Dịch bệnh ngày càng nhiều trong những thập kỷ gần đây. Chúng ta đều biết rằng, thế giới có thể sẽ chứng kiến một đại dịch khác trong khi vẫn chưa được chuẩn bị. Vì vậy, cần rút ra bài học và lường trước hậu quả của việc này”.

Trước sự nguy hiểm của Covid-19, nhiều nước giàu đã tìm mọi cách để tích trữ vaccine ngừa Covid-19, trong khi những nước nghèo thì chật vật đối phó với dịch bệnh và gặp khó khăn khi tiếp cận chế phẩm này. Giữa tình thế này, WHO liên tục kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Bởi lẽ, việc ưu tiên lợi ích quốc gia trong việc phân phối và phát triển vaccine có thể khiến công cuộc ngăn chặn Covid-19 trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 là “lời nhắc nhở nghiêm khắc” rằng không một người nào có thể an toàn nếu mọi người xung quanh chưa an toàn. Những bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 cho thấy, hợp tác chính là sự lựa chọn tốt nhất để đẩy lùi đại dịch. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel lưu ý, sự hợp tác chưa từng có trên quy mô toàn cầu trong nghiên cứu vaccine đã giúp rút ngắn thời gian bào chế vaccine xuống còn chưa đầy một năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, nhanh hơn nhiều so với khung thời gian thường để bào chế vaccine từ xưa đến nay.

LÂM ANH/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhieu-nuoc-ung-ho-hiep-uoc-quoc-te-ung-pho-voi-cac-dai-dich-655558


  • Từ khóa