Các nước châu Âu sử dụng "thẻ xanh Covid-19" thế nào?

Thứ 3, 14.09.2021 | 14:27:24
968 lượt xem

Các nước châu Âu đang từng bước triển khai "hộ chiếu vắc xin" hay "thẻ xanh Covid-19" để dần mở cửa cho người dân tham gia các hoạt động và sử dụng dịch vụ công cộng.

Các nước châu Âu sử dụng thẻ xanh Covid-19 thế nào? - 1

Hộ chiếu Covid-19 được sử dụng trên điện thoại di động (Ảnh: REX).

Chính phủ Anh tuần này đã tạm hoãn kế hoạch cấp "hộ chiếu Covid-19", hay còn gọi là "thẻ xanh", để ra vào các hộp đêm và những nơi đông người khác.

Theo kế hoạch ban đầu, Anh dự kiến triển khai hộ chiếu Covid-19 từ ngày 1/10. Theo đó, tất cả những người đến các hộp đêm hay các địa điểm công cộng tập trung đông người khác ở Anh đều phải có hộ chiếu này.

Trong khi đó, ít nhất 10 quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang triển khai hộ chiếu Covid-19 để cho phép người dân tham gia các hoạt động và ra vào các địa điểm khác nhau, từ nhà hàng cho tới các sự kiện thể thao.

Hộ chiếu Covid-19 là gì?

Lần đầu tiên ra mắt ở Israel, hộ chiếu Covid-19 còn có nhiều tên gọi khác nhau như thẻ sức khỏe, thẻ xanh, thẻ an toàn hay thẻ corona.

Những tấm thẻ này tồn tại dưới dạng giấy hoặc kỹ thuật số, nhưng thường là một ứng dụng điện thoại mang mã QR, cung cấp bằng chứng để chứng minh một cá nhân nào đó đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ, hoặc đã từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong Liên minh Châu Âu (EU), một số quốc gia đã phát triển hộ chiếu Covid-19 tương thích với chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số của châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong khối.

Những nước nào sử dụng hộ chiếu Covid-19?

Áo, Bỉ, Cộng hòa Síp, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia nằm trong số các quốc gia EU đã giới thiệu một số hình thức của hộ chiếu Covid-19.

Một số quốc gia đã thử nghiệm nhưng không thành công hoặc tạm hoãn triển khai như Anh. Ở Tây Ban Nha, chính quyền khu vực Canaries, Galicia, Cantabria và Andalucía muốn sử dụng hộ chiếu Covid-19 nhưng đề xuất này bị các tòa án cấp cao của Tây Ban Nha từ chối.

Những nước khác như Thụy Điển đã thông qua Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu (EUDCC), cho phép du khách nhập cảnh và công dân đi lại dễ dàng trong khối, nhưng không yêu cầu xuất trình chứng nhận này khi tới các địa điểm và sự kiện, vì Thụy Điển muốn mở cửa cho tất cả mọi người cùng một lúc.

Đan Mạch đã triển khai "thẻ thông hành" Coronapas vào tháng 4, nhưng hiện tạm dừng vì thấy thẻ này không còn cần thiết trong bối cảnh 80% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ. Các câu lạc bộ đêm, những địa điểm cuối cùng yêu cầu phải có thẻ thông hành tại Đan Mạch, đã được miễn quy định này vào tuần trước.

Hộ chiếu Covid-19 dùng để làm gì?

Các nước châu Âu sử dụng thẻ xanh Covid-19 thế nào? - 2

Người đi bộ đeo khẩu trang khi Pháp khuyến khích đeo khẩu trang nhằm kiểm soát sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Quy định về quyền hạn của hộ chiếu Covid-19 thay đổi theo từng nước.

Pháp yêu cầu bắt buộc phải trình "thẻ y tế" khi vào các rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê (bao gồm cả khu vực sân thượng, ngoài trời), câu lạc bộ, một số trung tâm mua sắm, vận tải đường dài, sự kiện thể thao và các sự kiện công cộng như hòa nhạc và hội họp. Đối tượng sử dụng thẻ sẽ được gia hạn cho tất cả những người trên 12 tuổi từ cuối tháng 9.

"Thẻ xanh" của Italy cũng được sử dụng tương tự Pháp, nhưng không bao gồm khu vực ngoài trời của các quán cà phê hoặc nhà hàng. Trong khi đó, một số bang của Đức cũng yêu cầu phải có hộ chiếu Covid-19 để vào ăn uống trong nhà.

Hộ chiếu Covid-19 của Áo được áp dụng cho cả tiệm làm tóc, trong khi Luxembourg áp dụng cho các cửa hàng, còn Bồ Đào Nha áp dụng cho các khách sạn.

Một số quốc gia đã điều chỉnh các quy tắc trong suốt mùa hè. Ở Hà Lan, khi số ca nhiễm tăng lên theo đường xoắn ốc, chính phủ tạm dừng chương trình cấp thẻ Covid-19, vốn cho phép các nhà hàng và quán bar mở cửa hết công suất trước đó.

Tác động của hộ chiếu Covid-19?

Nếu mục đích chính của hộ chiếu Covid-19 là tăng số lượng người được tiêm chủng, thì chiến lược này đã thành công ở một số quốc gia, đặc biệt tại các nước mà người dân còn do dự về vắc xin như Pháp.

Tháng 12 năm ngoái, các cuộc thăm dò cho thấy 60% người Pháp còn do dự về việc tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 7, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch sử dụng hộ chiếu Covid-19, hơn 13 triệu người đã hoàn thành mũi tiêm đầu tiên.

Pháp đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin cho khoảng 88% người trưởng thành và 85% trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các cuộc biểu tình phản đối hộ chiếu Covid-19 tại Pháp hiện chỉ còn khoảng 120.000 người tham gia trên toàn quốc, giảm một nửa so với hồi tháng 7.

Thành Đạt/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/cac-nuoc-chau-au-su-dung-the-xanh-covid19-the-nao-20210914134137250.htm#dt_source=Cate_TheGioi&dt_campaign=Top3&dt_medium=2

  • Từ khóa