Chuyện góa phụ tự sắm xe tăng để chống phát xít trả thù cho chồng

Thứ 6, 17.09.2021 | 14:32:12
801 lượt xem

Để trả thù cho cái chết của người chồng, cô Maria Vasilievna Oktyabrskaya đã dành tiền mua hẳn một chiếc xe tăng T-34, sau đó lái ra mặt trận chiến đấu chống quân phát xít.

Trước chiến tranh

Maria Vasilievna Oktyabrskaya là người vợ mẫu mực của một sĩ quan Hồng quân Liên Xô. Sau khi kết hôn với một học viên trường kỵ binh có tên là Ilya Ryadnenko vào năm 1925, Maria đồng ý với chồng rằng, khi xây dựng một gia đình Xô viết mới thì mọi thứ của hai người cũng phải được làm mới, trong đó có cả họ của mình. Vì vậy, đôi vợ chồng trẻ đã quyết định đổi họ thành Oktyabrskiy (họ chồng) và Oktyabrskaya (họ vợ).

Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, Maria sớm trở thành một phụ nữ giỏi nội trợ và là người thợ thêu thùa lành nghề. Cô quán xuyến đảm đương mọi việc nhà, nấu ăn ngon và luôn tỏ ra là người vợ tuyệt vời. Khi theo người chồng sĩ quan của mình chuyển sang một doanh trại quân đội khác, Maria vẫn luôn là người nổi bật trong số những người vợ khác của giới nhà binh, họ học được từ cô cách ăn mặc nhã nhặn và cư xử đúng mực.

Chuyện góa phụ tự sắm xe tăng để chống phát xít trả thù cho chồng
 Trung sĩ cận vệ Maria Vasilievna Oktyabrskaya. Nguồn: russian7.ru

Bên cạnh đó, Maria còn học bắn súng máy, lái xe ô tô và tham gia các khóa học về chăm sóc y tế. Khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nổ ra vào năm 1941, Maria sống cùng chồng tại thành phố Kishinev của Moldova. Khi đó, chồng cô là sĩ quan Ilya Oktyabrskiy phục vụ tại Trung đoàn pháo binh số 134.

Đi sơ tán

Một ngày sau khi nổ ra chiến tranh, Maria Oktyabrskaya cùng với những gia đình sĩ quan khác được sơ tán đến thành phố Tomsk của Nga. Tại đây, cô quay trở lại làm công việc nữ điện thoại viên, nghề mà trước chiến tranh cô đã từng làm.

Tháng 8-1941, Maria Oktyabrskaya nhận được tin chồng mình hy sinh ngoài mặt trận. Đích thân chồng cô, chính ủy Trung đoàn pháo binh số 134 Ilya Oktyabrsky, đã dẫn đầu quân sĩ mở cuộc tấn công và bị trúng loạt đạn súng máy.

Ngay lập tức, Maria chạy đến Phòng quân vụ đề nghị cho cô được xung phong ra mặt trận chiến đấu. Bởi cô biết bắn súng, đã trải qua các khóa huấn luyện chăm sóc y tế và có thể làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, mọi đề nghị của Maria đều bị từ chối, do cô mắc một căn bệnh hiểm nghèo, đó là bệnh lao cột sống cổ. Hơn nữa, độ tuổi 36 của cô lúc đó cũng không còn trẻ để ra mặt trận nữa.

Vì vậy, Maria Oktyabrskaya liền quyết định sẽ mua một chiếc xe tăng. Chuyện này không có gì là khó tin với ý định như vậy của cô, vì khi đó trên khắp đất nước Liên Xô đang diễn ra đợt gây quỹ cho quân trang và vũ khí. Tuy nhiên, xe tăng có giá thành rất đắt, ngay cả khi bán hết toàn bộ tài sản trong nhà, cô cũng khó có thể mua nổi một chiếc. Vậy là các kỹ năng thêu thùa lành nghề của cô nhân dịp này bát đầu phát huy tác dụng. Sau khi trực tổng đài điện thoại về nhà, Maria ngồi vào khung thêu và thêu các loại khăn ăn, khăn trải bàn và khăn lau. Những sản phẩm của cô làm ra nhanh chóng được nhiều người biết đến, nhờ đó số lượng đơn đặt hằng ngày càng tăng. Và cứ thế, cho đến mùa xuân năm 1943, cô đã tích cóp được số tiền cần thiết là 50.000 rúp rồi gửi chúng vào Ngân hàng Nhà nước.

Chuyện góa phụ tự sắm xe tăng để chống phát xít trả thù cho chồng
 Chiếc xe tăng với dòng chữ “Bạn gái chiến đấu”. Nguồn: tankfront.ru

Bức điện gửi tới Điện Kremlin

Sau khi tích cóp được tiền, Maria gửi một bức điện đến nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Bức điện viết: “Thưa Đồng chí Joseph Vissarionovich Stalin! Trong các trận chiến bảo vệ Tổ quốc, chồng tôi, chính ủy Trung đoàn Ilya Fedotovich Oktyabrsky, đã hy sinh. Vì cái chết của anh ấy, vì cái chết của tất cả người dân Liên Xô bị những kẻ man rợ phát xít hành hạ, tôi muốn trả thù bọn chúng. Do vậy, tôi đã gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm 50.000 rúp của mình vào Ngân hàng Nhà nước để chế tạo một chiếc xe tăng. Tôi xin được đặt tên cho chiếc xe là “Bạn gái chiến đấu” và cho phép tôi ra mặt trận với tư cách là người lái chiếc xe tăng này. Tôi có chuyên môn về nghề lái xe, tinh thông về súng máy và là một xạ thủ Voroshilov. Tôi xin gửi đến đồng chí lời chào nồng nhiệt, chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù và luôn làm rạng danh Tổ quốc chúng ta. Maria Vasilievna Oktyabrskaya”.

Rất nhanh sau đó, Maria đã nhận được câu trả lời: “Thân gửi đồng chí Maria Vasilievna Oktyabrskaya! Cảm ơn đồng chí đã quan tâm đến lực lượng tăng thiết giáp của Hồng quân Liên Xô. Mong muốn của đồng chí sẽ được thực hiện. Thân ái. Joseph Stalin”.

Kíp lái xe tăng “Bạn gái chiến đấu”

Mùa thu năm 1943, xuất hiện tại Belarus là một chiếc xe tăng trong đội hình của Tiểu đoàn số 2, Lữ đoàn xe tăng Cận vệ số 26 thuộc Quân đoàn xe tăng Cận vệ số 2. Trên tháp pháo của xe có ghi dòng chữ “Bạn gái chiến đấu”. Kíp lái chiếc T-34 này gồm chỉ huy, Trung úy Pyotr Chebotko; Trung sĩ Gennady Yasko; xạ thủ, nhân viên điện đài Mikhail Galkin và thợ máy lái xe, Trung sĩ Maria Oktyabrskaya.

Lẽ dĩ nhiên, những người lính đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trong kíp lái xe tăng có một người phụ nữ. Chẳng bao lâu sau, câu chuyện của cô ấy đã lan truyền khắp trong Quân đoàn xe tăng. Đặc biệt, chưa bao giờ có người lính tăng nào nói rằng, Maria có mặt ở đây chỉ đơn giản là vì “sở thích của phụ nữ”. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Trường xe tăng Omsk, cô đã chiến đấu không thua kém những chiến binh dày dạn nhất. Trong tình huống chiến đấu khó khăn, cô đã không lúng túng và tỏ ra sợ hãi, vẫn điều khiển xe tăng với kỹ năng điêu luyện. Chẳng hạn, trong trận chiến bảo vệ làng Novoye Selo, xe tăng “Bạn gái chiến đấu” đã phá hủy một khẩu đại bác cùng tiêu diệt 50 binh lính và sĩ quan Đức Quốc xã. Chiếc xe của Maria bị trúng đạn và không thể rời trận địa. Kíp lái nhất quyết không bỏ lại chiếc xe tăng, và trong hai ngày đã bắn vào quân Đức bằng hỏa lực trên xe và vũ khí cá nhân cho đến khi có quân tiếp viện đến. Chiếc xe sau đó được kéo đi sửa chữa, còn Maria bị thương nhẹ trong trận chiến đó. Tuy nhiên, cô vẫn không rời khỏi mặt trận và tiếp tục chiến đấu.

Trận chiến cuối cùng

Tháng 1-1944, ở ngoại ô thành phố Vitebsk của Belarus, nơi diễn ra những trận chiến ác liệt, trong một trận đánh tại nhà ga đường sắt Krynki, Trung sĩ Maria Oktyabrskaya đã dùng xe tăng của mình tiêu diệt 2 điểm súng máy cùng 20 binh lính và sĩ quan của kẻ địch. Chiếc T-34 bị một quả đạn pháo bắn vào bánh xích. Maria lao ra sửa chữa chiếc xe dưới hỏa lực của đối phương, sau đó bị thương nặng ở đầu.

Các bác sĩ của bệnh viện ở Smolensk, nơi Maria được đưa đến, đã làm mọi cách để cứu chữa cho cô, nhưng vết thương quá nặng, mảnh vỡ đã chạm tới bán cầu não.

Bức thư của “các con trai”  

Maria Oktyabrskaya không có con cái. Tuy nhiên, tất cả những người lính tăng trẻ đồng đội của cô đều gọi cô là mẹ. Có một bức thư mà cô nhận được từ “các con trai” của mình khi đang nằm viện, trong đó viết: “Chúng con xin chào mẹ Maria! Chúng con xin chúc mẹ sớm được bình phục. Chúng con tin tưởng chắc chắn rằng, chiếc xe tăng “Bạn gái chiến đấu” của chúng ta sẽ đến tận Berlin. Chúng con sẽ trả thù kẻ địch một cách không thương tiếc cho vết thương của mẹ. Một giờ nữa chúng con sẽ ra trận. Chúng con xin được ôm mẹ. “Bạn gái chiến đấu” xin gửi lời chào đến mẹ”. Bức thư này do Thiếu tá Topok chuyển cho Maria, ông là người cuối cùng được các bác sĩ cho phép vào thăm cô trong bệnh viện.

Sau đó, tình trạng sức khỏe của Maria Oktyabrskaya bắt đầu xấu đi. Gần như lúc nào cô cũng trong trạng thái bất tỉnh. Ngày 15-3-1944, cô đã trút hơi thở cuối cùng.

Tưởng nhớ

Ngày 2-8-1944, theo Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, Trung sĩ cận vệ Maria Vasilievna Oktyabrskaya đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô về lòng dũng cảm và gan dạ trong chiến đấu.

Chiếc xe tăng do Maria Oktyabrskaya mua đã bị quân Đức phá hủy trong một trận chiến. Tuy nhiên, để tưởng nhớ người mẹ đã khuất của mình, những người lính tăng trẻ tuổi đã viết dòng chữ “Bạn gái chiến đấu” trên tháp pháo của một chiếc xe tăng mới. Xe tăng này đã được loại biên sau các trận chiến bảo vệ thành phố Minsk. Nhưng dòng chữ đầy tự hào này tiếp tục xuất hiện trên tháp pháo của chiếc xe tăng khác, và sau khi chiếc xe tăng này bị bắn hỏng, lại xuất hiện trên tháp pháo của một chiếc tiếp theo. Vì vậy, “Bạn gái chiến đấu” vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại quân phát xít Đức cho đến tận Konigsberg, nơi nó góp phần kết thúc cuộc chiến tranh.

QUỐC KHÁNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chuyen-goa-phu-tu-sam-xe-tang-de-chong-phat-xit-tra-thu-cho-chong-671521

  • Từ khóa