Nhìn lại một năm xung đột Nga - Ukraine

Thứ 5, 23.02.2023 | 09:00:24
819 lượt xem

Ngày 24-2-2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một năm sau đó, cuộc xung đột này vẫn tiếp diễn, không chỉ khiến hai bên chịu thiệt hại lớn về người và của mà còn làm rung chuyển trật tự địa chính trị hậu chiến tranh lạnh và các thị trường toàn cầu.

Hiện chưa có dấu hiệu về một lối thoát cho cuộc xung đột khi cả hai bên đều hướng đến một chiến thắng quân sự rõ ràng trong lúc đàm phán bế tắc. Dù vậy, có nhiều đồn đoán rằng dù giao tranh ngày càng ác liệt song con đường đàm phán sắp được mở ra để chốt lại những thỏa thuận tạm thời về mặt an ninh. Một số nhà ngoại giao suy đoán một thỏa thuận như thế có thể nhằm khôi phục hiện trạng biên giới trước xung đột, tức Ukraine lấy lại các lãnh thổ của mình ở phía Đông và Nam nhưng Nga vẫn giữ bán đảo Crimea.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm một trung tâm huấn luyện dành cho quân dự bị ở vùng Ryazan hôm 20-2-2022. Ảnh: Reuters

Trong lúc chờ đợi một diễn biến tích cực như thế, hãy cùng nhìn lại tác động của cuộc khủng hoảng đối với Ukraine, Nga, phương Tây và cả thế giới sau một năm.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 3.

Đồ họa Al Jazeera - Việt hóa: Thanh Long – Xuân Mai


Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 4.

Ukraine ban đầu bị mất một phần lãnh thổ nhưng quân đội nước này đã đẩy lực lượng Nga vào thế giằng co ở miền Bắc, buộc Moscow tập trung trở lại vào chiến dịch ở vùng Donbass ở miền Đông. Đến mùa thu năm 2022, lực lượng Ukraine bắt đầu phản công và lấy lại được 20% phần lãnh thổ rơi vào tay Nga trước đó.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 5.

Ảnh chụp một khu vực bị phá hủy ở TP Kharkiv – Ukraine hôm 24-1-2023. Ảnh: Reuters

Ngoài thương vong nặng nề, giao tranh còn buộc hơn hàng triệu người đi sơ tán và phá hủy nghiêm trọng hạ tầng của Ukraine. Hồi tháng 7-2022, nước này cho biết cần đến hơn 750 tỉ USD trong 10 năm tới để tái thiết đất nước.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 6.

Đồ họa Al Jazeera – Việt hóa: Thanh Long – Xuân Mai



Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 7.

Một năm sau khi cuộc xung đột bùng phát, kinh tế Nga vẫn trụ vững trước các đòn trừng phạt khốc liệt của phương Tây nhưng đã xuất hiện những tín hiệu đáng lo, như lạm phát tăng lên gần 12%, nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí giảm… Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho thấy GDP nước này năm 2022 giảm 2,1%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo con số này giảm 2,5%.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 8.

Một con đường ở thủ đô Moscow - Nga. Năm 2023 được đánh giá là một năm khá thách thức đối với Nga. Ảnh: Reuters

Điểm tích cực là Nga nỗ lực thích nghi với trừng phạt, tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế và khách hàng mới cho dầu khí. Một số yếu tố khác là sự điều hành của Ngân hàng Trung ương Nga, thương mại với Trung Quốc và một số nước khác hồi phục gần đây…

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang ở thủ đô Moscow hôm 21-2. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thứ nhất của Nga Andrey Belousov thừa nhận năm 2023 sẽ khá thách thức đối với Nga xét về khía cạnh tài chính và thâm hụt ngân sách, dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục âm.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 10.

Cuộc khủng hoảng đã và đang thử thách sự đoàn kết của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine (nhất là tiền và vũ khí), những chính sách liên quan đến quốc phòng và biện pháp trừng phạt Nga.

Sự chia rẽ thể hiện rõ qua việc một số nước không muốn trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Mocow do nỗi lo thiếu năng lượng, giá dầu và lạm phát leo thang. Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy kho vũ khí phương Tây đang dần cạn kiệt trước nhu cầu của Ukraine.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 11.

Tàu chở dầu ở ngoài khơi TP Vladivostok – Nga hồi tháng 12-2022. Ảnh: Reuters

Một cơn đau đầu khác là nhiều nước châu Âu phải nỗ lực tìm thêm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Giá mặt hàng này dù không còn cao như năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gấp 4 lần so với 2 năm trước, một diễn biến khiến lạm phát tăng và làm suy yếu sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 12.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Mikko Savola (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở thủ đô Brussels – Bỉ hôm 15-2-2023. Ảnh: Reuters

Thêm vấn đề đáng chú ý không kém là chi phí tái thiết Ukraine. Ngân hàng Thế giới ước tính con số này hiện là 500 tỉ euro và không ngừng gia tăng. Sau khi trao tư cách ứng viên cho Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) dường như khó tránh kịch bản phải chịu phần lớn hóa đơn này.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 13.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan chính thức yêu cầu xin gia nhập NATO, qua đó từ bỏ chính sách trung lập được một số nước châu Âu theo đuổi lâu nay. Bước đi hôm 18-5-2022 nói trên cũng phần nào cho thấy khuôn khổ an ninh châu Âu đã được vẽ lại dưới tác động của cuộc xung đột.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 14.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện để điều khiển xe tăng Challenger 2 khi ông thăm Anh hôm 8-2-2023. Ảnh: Reuters

Dù vậy, không dễ để NATO mở rộng và kết nạp thêm thành viên. Nỗ lực của Thụy Điển và Phần Lan đang bị cản trở vì một số điều kiện do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Một số chuyên gia cũng nhắc đến lời hứa năm 2008 của NATO về việc kết nạp Ukraine and Georgia nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 15.

Binh sĩ Ukraine bên ngoài thị trấn Siversk ở vùng Donetsk hôm 20-2-2023. Ảnh: Reuters

Chưa hết, những diễn biến gần đây cho thấy sự can dự "trực tiếp và nhiều hơn" của NATO vào cuộc xung đột, ít ra là theo nhận định của Nga khi nói về chuyện Mỹ, Đức thông báo cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine.

Trước đó, Điện Kremlin không ít lần cáo buộc các đồng minh NATO trở thành một bên của cuộc xung đột bằng cách cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine. Không gì lạ khi xuất hiện cảnh báo, lẫn lo ngại, rằng xung đột ở Ukraine có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và trở thành cuộc chiến rộng lớn hơn giữa Nga và NATO.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 16.

Đồ họa Al Jazeera – Việt hóa: Thanh Long – Xuân Mai



Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 17.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng làm gia tăng sự chia rẽ tại Mỹ. Trong bối cảnh Washington tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, ngày càng có nhiều người Mỹ cho rằng nước mình đang hỗ trợ quá nhiều cho Kiev.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 18.

Người tị nạn Ukraine tại một hội chợ việc làm ở TP New York – Mỹ hôm 1-2-2023. Ảnh: Reuters

Theo cuộc thăm dò được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hôm 31-1, khoảng 26% người được hỏi cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. 31% cho rằng sự giúp đỡ như vậy là vừa phải và 20% muốn giúp Ukraine hơn nữa. So với cuộc thăm dò hồi tháng 9-2022, tỉ lệ người cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine đã tăng 6 điểm %.

Sự chia rẽ còn thể hiện trên chính trường khi một nhóm hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa do ông Matt Gaetz dẫn đầu vừa trình dự thảo nghị quyết, theo đó thể hiện quan điểm Washington cần chấm dứt hỗ trợ quân sự và tái chính cho Ukraine, cũng như kêu gọi tất cả các bên hướng đến một thỏa thuận hòa bình.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 19.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tặng quốc kỳ cho bà Nancy Pelosi khi đến phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 21-12-2022. Ảnh: Reuters

Lý giải cho động thái trên, ông Gaetz chỉ ra nguy cơ cuộc xung đột leo thang thành xung đột toàn cầu và gây thiệt hại kinh tế cho Mỹ.

Washington đã viện trợ quân sự khoảng 27 tỉ USD và cung cấp hàng chục tỉ USD tiền hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 20.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev hôm 20-2-2023. Ảnh: Reuters


Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 21.

Một năm sau xung đột, kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu đựng hậu quả, như nguồn cung ngũ cốc, phân bón, năng lượng suy giảm, lạm phát cao, triển vọng kinh tế không rõ ràng… Các công ty và quốc gia phát triển cho đến giờ tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái nhưng các nền kinh tế đang phát triển phải chịu ảnh hưởng tệ hơn.

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 22.

Một lò bánh mì ở TP Lagos – Nigeria hôm 3-2-2023. Ảnh: AP

Giờ đây, tại Mỹ và nhiều quốc gia giàu có khác, giá tiêu dùng đang dần "hạ nhiệt" sau khi tăng mạnh, một phần do tác động của cuộc chiến lên giá dầu. Điều này làm gia tang hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc tăng lãi suất, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh rơi vào suy thoái.

Mùa đông ấm hơn thông thường cũng giúp giá khí đốt giảm và hạn chế thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga ngưng cung cấp phần lớn khí đốt đến châu Âu.  

Nhìn lại một năm xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 23.

Một cửa hàng tạp hóa ở ngoại ô thủ đô Jakarta – Indonesia hôm 2-2-2023. Ảnh: AP

Tuy nhiên, cuộc xung đột ít nhiều vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn như ở châu Âu, giá khí đốt hiện vẫn cao gấp 3 lần so với thời điểm trước khi giao tranh diễn ra.  

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% năm nay, một tỉ lệ được xem là khá lạc quan bất chấp còn nhiều ẩn số lớn khác, như nguy cơ xung đột leo thang nghiêm trọng.

Những cột mốc chính

Tháng 2-2022

- Lực lượng Nga tấn công Ukraine từ 3 hướng: từ Belarus ở phía Bắc, vùng Donbas ở phía Đông và từ bán đảo Crimea ở phía Nam.

- Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính, nhập khẩu công nghệ và các tài phiệt Nga.

- Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU

Tháng 3-2022

- Lực lượng Nga bắt đầu bao vây TP Mariupol, cũng như thông báo kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở TP Zaporizhzhia

- Mỹ và Anh thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga. Chính phủ Đức cũng công bố kế hoạch chấm dứt nhập khẩu hầu hết dầu của Nga.

- Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba không đạt tiến triển.

Nga Ukraine DH3

Đồ họa Al Jazeera – Việt hóa: Thanh Long – Xuân Mai

Tháng 5-2022

- EU công bố đợt trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có kế hoạch cấm dầu thô nước này trong 6 tháng tới

- Phần Lan và Thụy Điển thông báo kế hoạch gia nhập NATO.

- Nga chiếm TP Mariupol trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gói viện trợ 40 tỉ USD cho Ukraine.

Tháng 6-2022

- EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine

- NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh này.

Một binh sĩ Ukraine được huấn luyện ở Wiltshire, Anh hôm 20-2-2023 Ảnh Reuters

Một binh sĩ Ukraine được huấn luyện ở Wiltshire, Anh hôm 20-2-2023. Ảnh: Reuters

Tháng 7-2022

- Với sự trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đồng ý ký thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng biển Đen. Đây được xem là bước tiến quan trọng hướng đến xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tháng 8-2022

- Ukraine bắt đầu cuộc tấn công ở vùng Kherson tại miền Nam. Cuộc tấn công sau đó trở thành cuộc phản công vào mùa thu buộc binh sĩ Nga rút lui.

Tháng 9-2022

- Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng ý áp đặt giá trần với dầu Nga.

- Nga động viên 300.000 quân dự bị, cũng như tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào Nga. Tổng thống Vladimir Putin sau đó tuyên bố 4 vùng này đã được sáp nhập vào Nga.

- Ukraine chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO.

- Hai vụ nổ mạnh đã làm rò rỉ đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.

Tháng 10-2022

- Một vụ nổ lớn làm hư hỏng chiếc cầu nối Nga với bán đảo Crimea. Nga cáo buộc Ukraine gây ra vụ việc nhưng Kiev bác bỏ.

- Nga mở đợt tấn công bằng tên lửa dữ dội nhất nhằm vào các thành phố ở Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Một vụ nổ lớn làm hư hỏng chiếc cầu nối Nga với bán đảo Crimea Ảnh AP

Một vụ nổ lớn làm hư hỏng chiếc cầu nối Nga với bán đảo Crimea. Ảnh: AP

Tháng 11-2022

- Hai người thiệt mạng bởi một tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Vụ việc đe dọa làm leo thang xung đột giữa Nga và NATO nhưng các nhà lãnh đạo đã hạ nhiệt vụ việc.

Tháng 12-2022

- EU đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga.

- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Washington, kêu gọi quốc hội Mỹ hỗ trợ thêm xe tăng, máy bay, năng lực phòng không và tiền bạc.

Tháng 1-2023

- Anh tuyên bố sẽ gửi xe tăng chiến đấu Challenger 2, trở thành thành viên NATO đầu tiên đồng ý cung cấp vũ khí bọc thép hiện đại cho Ukraine. Mỹ cũng thông báo cung cấp xe tăng chiến đấu M1 Abrams cho Ukraine trong lúc Đức cam kết điều tương tự với xe tăng Leopard 2 A6.

Tháng 2-2023

- Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố Anh đang xem xét gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu cho Ukraine.

- Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến thủ đô Kiev – Ukraine.

- Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang


Hoàng Phương - Lê Duy/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mot-nam-xung-dot-nga-ukraine-mat-mat-qua-lon-20230222161012903.htm

  • Từ khóa