Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về!

Thứ 4, 26.10.2022 | 14:41:38
981 lượt xem

Hoàng Su Phì là địa điểm lý tưởng cho du khách thích chinh phục các cung đường mạo hiểm, ngắm nhìn núi non hùng vĩ phía Bắc. Nơi đây khoác lên mình bộ áo choàng óng ánh vàng ươm mỗi khi mùa lúa chín.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 1

Sớm mai ở Hoàng Su Phì là những làn sương còn dày đặc (Ảnh: Phùng Hơn).

Hoàng Su Phì là huyện biên giới thuộc tỉnh Hà Giang. Huyện có hơn 41km giáp với biên giới Trung Quốc. Trên bản đồ, Hoàng Su Phì nằm ở phía tây tỉnh, trên thượng nguồn sông Bạc và sông Chảy, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 100km.

Nằm ở nơi có địa hình cao, có tới một phần ba dân số của huyện sống trong vùng rất khó khăn, kinh tế chính dựa vào nông nghiệp với định hướng trồng chè shan tuyết và thảo quả, chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, ngành du lịch ở Hoàng Su Phì đã phát triển rất mạnh kể từ khi ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2012 và trở thành điểm du lịch quan trọng của tỉnh Hà Giang.

Hoàng Su Phì có tới 12 dân tộc thiểu số sinh sống, đông nhất là dân tộc Nùng với hơn 38%, dân tộc Dao là 22%, H'Mông 13%, còn lại là các dân tộc khác. Hoàng Su Phì còn là địa bàn sinh sống của rất đông người dân tộc La Chí.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 2

Cảnh đẹp ở Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).

Tới Hoàng Su Phì không thể không ghé thăm xã Bản Phùng. Nơi đây tập trung đông nhất người La Chí sinh sống và cũng là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì.

Người dân ở Bản Phùng họ làm ruộng bậc thang khác các nơi vì họ không có nguồn nước tưới chủ động 100% mà chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa. Điểm nổi bật ở Bản Phùng là các bản làng nằm xen kẽ với ruộng lúa, trên cao có dưới thung lũng cũng có, người dân tộc La Chí rất hiếu khách, vui vẻ và sẵn sàng giúp du khách trải nghiệm văn hóa.

Không sôi động như thời điểm gieo mạ hay đổ ải nước, Hoàng Su Phì vào vụ lúa chín mang dáng vẻ dịu dàng, bình yên hơn rất nhiều. Người dân vẫn thu hoạch lúa bằng các phương pháp thủ công như dùng liềm cắt, máy tuốt lúa bằng chân hoặc máy đập. Lúa ở Hoàng Su Phì thường không bao giờ thu hoạch sớm, người dân thường để lúa chín già, vàng óng và ngả nghiêng do độ nặng của hạt mới thu hoạch, lúc đó hương lúa chín thơm ngào ngạt và đi theo từng cơn gió bay khắp nơi.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 3

Lúa chín vàng tại các ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).

Đến Hoàng Su Phì, du khách không thể không khám phá ẩm thực của các dân tộc thiểu số. Đó cũng là tinh hoa ẩm thực của Hà Giang nói chung.

Món thắng cố nhiều tỉnh miền Bắc đều có nhưng ở Hoàng Su Phì được nâng lên thành đặc sản lúc nào cũng nóng hổi, thơm phức, ngoài ra còn có cháo ấu tẩu béo ngậy.

Các loại thịt gác bếp như thịt trâu, thịt lợn hay thắng dền ngọt thanh đều là những món không thể bỏ qua. Còn nếu vào bản của người dân tộc La Chí thì chắc chắn sẽ được họ thiết đãi món thịt chuột. Chuột được người La Chí rất ưa chuộng, bởi ban đầu là họ bắt chúng để bảo vệ mùa màng, sau dần họ đã kỳ công chế biến để thành món ngon đặc sản.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 4

Bình mình ló rạng sau quả núi tạo nên cảnh đẹp nao lòng người khi ghé thăm những ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).

Thịt chuột xào, chuột nướng, chuột gác bếp đủ kích cỡ đều sẵn có trong nhà. Chuột ở Hoàng Su Phì rất "sạch" bởi chúng thường được bắt ngoài ruộng, mà ruộng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại nên đảm bảo an toàn, thơm ngon. Còn nếu du khách vào bản của người H'Mông và người Dao thì món thịt lợn đen mới là món trọng tâm.

Lợn đen Hoàng Su Phì thịt chắc, ngọt xương và rất ít mỡ lại chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Du lịch Hoàng Su Phì vào thời điểm đầu đông khá lạnh, tuy nhiên đó lại là đặc trưng nơi đây không phải đâu cũng có. Ban sáng, khi màn sương giá đang bao phủ khắp các quả núi, ngọn đồi, bản làng, du khách hãy thử cảm giác đi lần vào từng ruộng lúa như lạc trong xứ sở sương mù thoang thoảng mùi lúa chín hoặc chờ đón bình minh mọc sau quả núi.

Hiện nay, nhằm mục đích phục vụ du lịch, người dân bản địa còn có dịch vụ trải nghiệm công việc đồng áng, trực tiếp chế biến món ăn đặc sản làm từ lúa non, tham gia lễ hội của các dân tộc thiểu số hay thu hoạch lúa theo phương pháp truyền thống.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 5

Một ngôi nhà sàn đơn sơ của người La Chí với bốn bề đều là lúa (Ảnh: Phùng Hơn).

Sau khi thưởng ngoạn hết cảnh quan của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du khách nên trải nghiệm chợ phiên Cốc Pài hay còn gọi là chợ Xín Mần thuộc huyện Xín Mần lân cận, được họp vào chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên Cốc Pài là chợ phiên lớn nhất nhì Hà Giang, là nơi tụ hội của các đặc sản của người dân tộc thiểu số.

Từ ngã ba Tân Quang (huyện Bắc Quang) tới Hoàng Su Phì là thử thách thực sự với các tay lái, bởi từ đây sẽ có rất nhiều cung đường quanh co, uốn lượn như dải lụa, một bên là núi, bên là vực thẳm nên phải hết sức cẩn thận, vững tay lái.

Cung đường lên Hoàng Su Phì chỉ đủ rộng cho xe ô-tô 7 chỗ nên đi xe máy là thuận tiện hơn cả và có thể dừng đỗ ngắm cảnh bất cứ lúc nào. Nhiều đoạn đường có mây sà xuống bao phủ, núi đồi, đồng ruộng, những bản làng bay khói lam chiều, tiếng suối róc rách tạo nên một khung cảnh nên thơ, lãng mạn.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 6

Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 7

Người dân phơi lúa ngay trên ruộng (Ảnh: Phùng Hơn).

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 8

Mùa vàng ấm no trên rẻo cao Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì - đã đi là không muốn về! - 9

Nét bình yên nơi biên cương Hoàng Su Phì (Ảnh: Phùng Hơn).


Văn Công - Phùng Hơn/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/mua-lua-chin-hoang-su-phi-da-di-la-khong-muon-ve-20221025213359078.htm

  • Từ khóa