Nguy cơ khan hiếm chip lan rộng trong năm 2021

Thứ 2, 08.02.2021 | 15:13:12
256 lượt xem

Tình trạng thiếu chip bán dẫn có nguy cơ ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp, không chỉ giới hạn trong máy tính và ôtô như năm 2020.

Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào đầu năm 2020. Thế giới đang trải qua giai đoạn khởi đầu của một đại dịch bí ẩn, ban đầu hủy diệt nhu cầu nhưng lại nhanh chóng tăng tốc tiêu thụ thiết bị di động và Internet khi các nền kinh tế dần khôi phục. Sự thay đổi chóng mặt chỉ trong vài tháng đã đặt nền móng cho một trong những đợt khan hiếm nghiêm trọng nhất trong ngành bán dẫn suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng nặng tới thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng và xe hơi.

Các nhà sản xuất ôtô và thiết bị điện tử phải giảm năng suất đáng kể hồi đầu năm ngoái đang vội vã tăng số lượng đơn hàng, nhưng không thể bảo đảm tiến độ bởi những hãng chế tạo chip đang quá tải với yêu cầu từ những "người khổng lồ" như Apple.

Cristiano Amon, chủ tịch Qualcomm, hồi tuần này thừa nhận tình trạng khan hiếm đang diễn ra khắp nơi, cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào số lượng nhỏ doanh nghiệp tại châu Á.

Chip bán dẫn trong dây chuyền sản xuất của TSMC. Ảnh: TSMC.

Chip bán dẫn trong dây chuyền sản xuất của TSMC. Ảnh: TSMC.

Nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp gần đây cũng cảnh báo các hãng không thể mua đủ chip để sản xuất. Các hãng ôtô dường như ở tình trạng khó khăn nhất, buộc chính phủ Mỹ và Đức hỗ trợ. General Motors đã phải đóng cửa ba nhà máy ở Bắc Mỹ, trong khi Ford Motor đang đối mặt nguy cơ tụt giảm 20% sản lượng trong tương lai gần.

Nhiều lĩnh vực cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng từ khan hiếm chip, cho thấy Covid-19 và bùng nổ các smartphone hỗ trợ 5G đang làm trầm trọng hóa nguồn cung vốn đã rất giới hạn cho thị trường tiêu dùng. Sự khan hiếm được dự báo sẽ xóa sổ 61 tỷ USD doanh số chỉ riêng trong ngành ôtô, trong khi thiệt hại của ngành điện tử có thể còn lớn hơn nhiều.

Apple, khách hàng chủ chốt của Qualcomm, cho biết doanh số bán hàng của một số mẫu iPhone cao cấp đang bị hạn chế bởi thiếu hụt linh kiện. Sony hồi giữa tuần thông báo có thể không hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu với dòng PlayStation 5 trong năm 2021 do "nghẽn cổ chai" trong sản xuất.

"Đại dịch Covid-19, duy trì giãn cách trong các nhà máy, cũng như sự cạnh tranh tăng vọt từ máy tính bảng, laptop và xe điện đang tạo ra những điều kiện khó khăn nhất cho việc cung cấp linh kiện smartphone trong nhiều năm qua", Neil Mawston, nhà phân tích của tổ chức Strategy Analytics, nhận xét. Ông ước tính giá thành cho những thiết bị then chốt trong smartphone, như chipset và màn hình, đã tăng đến 15% trong 3 - 6 tháng qua.

Khủng hoảng hiện nay khởi nguồn từ hàng loạt yếu tố xuất hiện trong năm 2020.

Qualcomm và phần lớn các công ty thiết kế chip đều thuê dây chuyền sản xuất của số lượng nhỏ nhà sản xuất tại châu Á, dẫn đầu là TSMC và Samsung Electronic. Hai doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chế tạo những chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Nhưng họ phải mất nhiều năm và hàng tỷ USD để phát triển năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, đợt bùng nổ thiết bị hậu Covid-19 khiến tất cả đều bất ngờ.

Một số lãnh đạo ngành công nghiệp chỉ trích việc tích trữ linh kiện quá mức, vốn bắt đầu từ giữa năm 2020 khi Huawei bắt đầu thu mua lượng lớn thiết bị để bảo đảm sinh tồn trước những lệnh cấm vận nặng nề của chính phủ Mỹ. Giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc năm ngoái đạt gần 380 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng giá trị nhập khẩu của nước này trong năm 2020.

Các đối thủ của Huawei như Apple cũng lo lắng về nguồn cung và đối phó một cách tương xứng. Những lệnh phong tỏa xã hội do Covid-19 cũng đẩy cao nhu cầu thiết bị gia đình, trong đó sử dụng nhiều loại chip bán dẫn khác nhau. Lãnh đạo TSMC cho biết các khách hàng của họ đang tích lũy nhiều sản phẩm hơn bình thường để đối phó yếu tố khó lường và điều này có thể kéo dài.

"Đang có một cuộc chạy đua tích trữ chip", Will Bright, người đồng sáng lập Drop, hãng lắp ráp tai nghe và bàn phím dùng chip riêng, cho hay.

Dây chuyền sản xuất ô tô của Volkswagen. Ảnh: Reuters.

Dây chuyền sản xuất ô tô của Volkswagen. Ảnh: Reuters.

Điều này đã làm cạn nguồn cung cho những doanh nghiệp thường mua chip với số lượng nhỏ hơn như nhà sản xuất ôtô và console chơi game. Nintendo, Sony và Microsoft đều chật vật với quá trình chế tạo máy Switch, PlayStation và Xbox trong gần một năm qua. Nguồn cung cho ngành công nghiệp console chơi game có thể còn tồi tệ hơn trong năm nay.

Minebea Mitsumi, nhà cung ứng quan trọng trong ngành vận tải và điện tử, cho rằng khan hiếm chip có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả hàng không. "Nhu cầu đang tăng nhanh hơn dự kiến ở khắp nơi. Các hãng hàng không đang loại bỏ máy bay cũ để tối ưu hoạt động, nhu cầu đi lại cũng sẽ bùng nổ sau khi đại dịch kết thúc", CEO Yoshihisa Kainuma cho hay.

Chưa rõ bao giờ nguồn cung mới đáp ứng được nhu cầu, nhưng hàng loạt chuyên gia cho rằng không có giải pháp nhanh chóng hoặc đơn giản trong ngắn hạn.

"Nhiều vấn đề bắt nguồn từ quý II/2020, thời điểm thế giới gần như đóng cửa hoàn toàn. Nhiều hãng đóng cửa nhà máy, trong khi các nhà cung ứng thay đổi ưu tiên. Chúng ta chỉ có thể thấy dấu hiệu chuyển biến trong nửa sau năm nay", nhà phân tích Mario Morales của IDC nhận xét.


Điệp Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nguy-co-khan-hiem-chip-lan-rong-trong-nam-2021-4232584.html

  • Từ khóa