Đối thoại về Deepfake tại Tech Awards

Thứ 6, 10.01.2020 | 10:06:10
668 lượt xem

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, và nhà báo Đinh Đức Hoàng sẽ tranh luận và làm rõ những nguy cơ mà Deepfake có thể tác động tới xã hội.

Bên cạnh bài phát biểu về sự lây lan của Deepfake trên Internet, ông Nguyễn Tử Quảng sẽ dành 20 phút trong diễn đàn Tech Talks để thảo luận sâu hơn với nhà báo Đinh Đức Hoàng của VnExpress về những tác động tiêu cực của công nghệ này tại Việt Nam thời gian tới.
 

Ông Nguyễn Tử Quảng lo ngại về sự hồn nhiên của người dùng Việt Nam trước bóng ma Deepfake.

Ông Nguyễn Tử Quảng lo ngại về sự hồn nhiên của người dùng Việt Nam trước bóng ma Deepfake.


Sử dụng AI để ghép khuôn mặt vào trong video đã trở thành vấn nạn trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, không ít người vẫn vô tư chia sẻ những bức ảnh cá nhân, rõ nét mặt mình lên mạng xã hội và để ở chế độ công khai (public). Bởi vì, nhiều người vẫn nghĩ Deepfake là chuyện xa vời, chuyện xảy ra ở đâu đó chứ không ảnh hưởng tới mình vì họ không phải người nổi tiếng.
 

"Với khả năng sản xuất nội dung khiêu dâm, mọi người đều trở thành mục tiêu tiềm năng", Adam Dodge, giám đốc pháp lý của Laura's House, một tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ở California (Mỹ), khuyến cáo.
 

Hãy hình dung, khi các phần mềm Deepfake lan tràn, một đồng nghiệp của bạn có thể "vui tay" tạo video khiêu dâm về bạn rồi đăng lên Facebook chỉ để trêu chọc. Tuy nhiên, khi đã xuất hiện trên mạng, bạn không có cách gì để kiểm soát sự phát tán của video và những hệ lụy tiếp theo. Đôi khi, Deepfake không phải là trò đùa, mà được sử dụng để trở thành phương tiện làm mất uy tín, sỉ nhục, quấy rối hoặc chơi xấu người khác.
 

Theo Washington Post, một phụ nữ 40 tuổi tìm thấy một video với gương mặt mình bị ghép vào cơ thể một nữ diễn viên khiêu dâm trẻ. Các hình ảnh cắt ghép một cách liền mạch, tạo ra cảm giác chân thật tới mức cô thấy buồn nôn và đau đớn khi xem. Người này lo lắng đồng nghiệp, gia đình hoặc bạn bè trông thấy và sẽ thay đổi cách nhìn về mình, bởi khó thuyết phục họ tin nó không có thật. Qua điều tra, video được tạo ra từ 491 hình ảnh lấy trên trang Facebook cá nhân của cô, với thời gian sản xuất chỉ khoảng hai ngày.
 

Trên các diễn đàn thảo luận về AI hay học máy, một người dùng ẩn danh có thể dễ dàng thuê một người khác làm video giả với nhân vật chính là đồng nghiệp hay bạn bè của họ chỉ với 20 USD. Ban đầu, các video có nhiều nhược điểm về chất lượng hình ảnh và dễ nhận ra. Nhưng càng ngày công nghệ xử lý càng được cải thiện, dần tiến tới xóa bỏ ranh giới thật giả.
 

Ông Nguyễn Minh Đức - CEO và Founder công ty bảo mật CyRadar. 

Ông Nguyễn Minh Đức - CEO và Founder công ty bảo mật CyRadar. 


Deepfake không còn là nguy cơ. Nó đã thực sự hiện hữu và lây lan như virus máy tính. Sự thờ ơ và ngây thơ của người dùng chính là điều mà các chuyên gia tại Việt Nam trăn trở. Vì vậy, ông Nguyễn Tử Quảng và nhà báo Đinh Đức Hoàng sẽ cùng bàn luận và đưa ra những cảnh báo tới mọi người khi tham gia Internet. Bên cạnh đó, Deepfake chỉ là một mặt trái của AI. Nhiều mối nguy khác từ công nghệ mới này cũng sẽ được chuyên gia Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar, đề cập trong bài trình bày "Những nguy cơ bảo mật từ AI" tại Tech Talks.
 

Trước Tech Talks, VnExpress cũng đã tổ chức thành công một số cuộc đối thoại tương tự như giữa ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, và ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki về chủ đề khởi nghiệp, hay giữa nhà thiết kế Hung Vango và đạo diễn Nguyễn Ngọc Thụy về câu chuyện khởi nghiệp ở Hollywood...
 

Diễn đàn Tech Talks

nằm trong khuôn khổ ngày hội Tech Day của VnExpress, bên cạnh triển lãm Smart Living và lễ trao giải Tech Awards, mang đến góc nhìn của các chuyên gia, đại diện thương hiệu lớn về các vấn đề nóng của làng công nghệ.

 

Tech Talks diễn ra từ 13h đến 18h ngày 8/1 tại White Palace (quận Phú Nhuận, TP HCM). Vé đăng ký tham dự Tech Talks có giá 299.000 đồng. Độc giả mua vé tại đây.

vnexpress.net/so-hoa/doi-thoai-ve-deepfake-tai-tech-awards-4037827.html

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa