Khoảng trống vô định phía sau đội tuyển Việt Nam

Thứ 2, 24.08.2020 | 14:20:52
528 lượt xem

Sự kiên nhẫn mà HLV Park Hang-seo và các đồng sự dành cho đội tuyển U22 có vẻ như bắt đầu cạn ngay ở lần tập trung đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games 31.

Sự kiên nhẫn mà HLV Park Hang-seo và các đồng sự dành cho đội tuyển U22 có vẻ như bắt đầu cạn ngay ở lần tập trung đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games 31.

Trợ lý thân tin của HLV Park, ông Lee Young-jin chỉ dẫn chi li cho các cầu thủ U22 trên sân tập ở Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VFF chiều 20/8. Ảnh: Lâm Thỏa.

Trợ lý thân tin của HLV Park, ông Lee Young-jin chỉ dẫn chi li cho các cầu thủ U22 trên sân tập ở Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VFF chiều 20/8. Ảnh: Lâm Thỏa.

Năm 2019, cũng dẫn dắt đội U22 dự vòng loại U23 châu Á và SEA Games 30, nhưng HLV Park chưa trải qua cảm giác bối rối về chất lượng cầu thủ như lúc này. Khi đó, trong tay ông vẫn là dàn cầu thủ của lứa World Cup U17 và U23 châu Á còn đủ tuổi để đá U22.

Đầu năm 2019, VFF thành lập đội tuyển U22, tập hợp các cầu thủ đúng tuổi tốt nhất nhưng không nằm trong danh sách từng triệu tập của HLV Park, để dự giải U22 Đông Nam Á tại Campuchia và giao cho HLV Nguyễn Quốc Tuấn dẫn dắt. Mục đích là xây dựng một đội ngũ trẻ mới để HLV Park, khi đó đang cầm quân ở Asian Cup 2019, dễ dàng chọn lựa hơn. Tuy nhiên, khi HLV Park trực tiếp nắm đội đá vòng loại U23 châu Á thì đội bóng của ông Trần Quốc Tuấn chẳng còn mấy ai được góp mặt. Đến SEA Games 30, chỉ còn đúng hai cầu thủ từng dự giải U22 Đông Nam Á là Trần Thanh Sơn và Bùi Tiến Dụng. Điều này có nghĩa, suốt ba năm qua (từ 2017 đến 2019), bóng đá Việt Nam không giới thiệu thêm được bất kỳ tài năng trẻ nào có chất lượng tương đương lứa 2016-2017.

Thật ra, HLV Park cũng biết rõ việc này. Trong năm 2019, bảy đợt tập trung đội U22 với số lượng hơn 50 cầu thủ do chính ông thực hiện, cũng chẳng tìm ra được mấy người nổi bật. Đa số cầu thủ dự SEA Games 30 đều đã được biết đến trước đó, hoặc là trụ cột ở tuyển quốc gia. Vậy mà, tình hình một năm sau cũng chẳng khá hơn. Trong danh sách 48 cầu thủ được gọi lên tuyển U22 đợt này, có đến 19 người đang đá tại giải hạng Nhất. Trong số 29 cầu thủ còn lại đến từ các đội V-League, phân nửa chỉ ngồi dự bị ở CLB. Số cầu thủ đá chính, chẳng ai khác, đều là những người từng dự SEA Games và vòng chung kết U23 châu Á 2020. Nói cách khác, không thể kỳ vọng gì từ những nhân tố mới. Việc các trợ lý của HLV Park nổi cáu với trình độ kỹ thuật kém, tư duy chiến thuật nghèo nàn của các cầu thủ U22 là không có gì bất ngờ. Họ còn sẽ còn... nổi cáu dài dài.

Tài năng chẳng phải như lá rụng mùa thu mà lúc nào cũng có sẵn. Hiếm lắm mới có một Đoàn Văn Hậu, mới 17 tuổi đã cao trên 1m80, đá World Cup U20 rồi thẳng tiến lên U23, đội tuyển quốc gia và sang châu Âu. Ở đâu cũng vậy, ít nhất năm đến bảy năm mới xuất hiện một vài tài năng bẩm sinh. May mắn hơn thì họ xuất hiện cùng một thời điểm gần nhau để tạo nên tập thể mạnh như HLV Park đang có. Chính vì yếu tố thiên bẩm và may mắn không đến thường xuyên, nên thay vì chờ đợi, người ta chú trọng hơn đến việc phát hiện tài năng thông qua công tác đào tạo và rèn luyện bằng thi đấu, cũng như vấn đề dinh dưỡng, khoa học công nghệ ở bóng đá trẻ.

Đây chính là vấn đề của bóng đá Việt Nam, khiến HLV Park và các đồng sự tài năng đến mấy, cũng có thể phải bó tay. Khi ông thầy người Hàn Quốc đến Việt Nam, những cầu thủ lứa Công Phượng, Quang Hải đã trưởng thành từ trước. Năm 2016, Quang Hải chơi gần 40 trận trong màu áo U19 Việt Nam và Hà Nội T&T tại V-League. Sang năm 2017 là U17 World Cup, V-League, SEA Games cũng ngót ngét 40 trận. Ở tuổi 21, anh đá gần 60 trận trong năm 2018 trên năm đấu trường khác nhau dưới màu áo CLB lẫn các đội tuyển. Những đồng đội của Quang Hải tại Hà Nội cũng có mật độ thi đấu gần như thế. Còn nhóm cầu thủ đến từ HAGL thậm chí còn dữ dội hơn. Năm 2014, họ là nòng cốt của U19 Quốc gia, thi đấu gần 50 trận đấu ở năm giải chính thức và du đấu ở châu Âu. Sang năm 2015, họ lên đá V-League, dự SEA Games, thậm chí còn lên đội tuyển quốc gia.

Bây giờ, có bao nhiêu cầu thủ ở đội U22 hiện nay đạt được mật độ thi đấu của một "đàn em" như Đoàn Văn Hậu? Một cầu thủ trẻ tầm U19, nếu không được CLB ưu ái cho lên thi đấu ở đội 1, thì suốt năm nhiều nhất cũng chỉ đá tám trận ở giải U19 Quốc gia, sau đó thêm khoảng chừng đó trận ở giải U21 và 10 trận quốc tế nếu được VFF triệu tập. Đây là số trận được tính cho một cầu thủ đang là thành viên của một CLB mạnh, chứ nếu họ thuộc sở hữu của các đội hạng Nhất, nhiều lắm mỗi năm chỉ hơn 15 trận mà thôi.

Bóng đá trẻ đề cao sự trải nghiệm, cường độ và thời gian được chơi bóng chứ không phải thành tích. Sau một quãng dài đào tạo cơ bản, cầu thủ trẻ cần rất nhiều trận đấu "thật" để phát huy những tố chất cá nhân sau thời gian chỉ quen với những bài tập có chung giáo án. Không thi đấu nhiều, phẩm chất riêng càng ít phát lộ, chưa kể yếu tố cảm giác bóng, cảm giác về vị trí thi đấu phù hợp cũng chỉ có thể xuất hiện ở giai đoạn bắt đầu đá bóng chính thức này. Tóm lại, con đường để từ tài năng trẻ đến một cầu thủ tiềm năng giỏi cần thông qua thi đấu.

Nhưng bóng đá Việt Nam lại đi ngược qui trình. Thay vì tăng số lượng các trận đấu ở lứa tuổi trẻ thông qua hệ thống thi đấu tương tự V-League dành cho các đội U19, đội dự bị (Reserve League) để tối thiểu họ chơi được 40-50 trận một năm, thì chúng ta đang tổ chức các giải U17, U19, U21 theo thể thức vòng chung kết. Vì yếu tố tài chính nên số lượng trận đấu bị giảm đến tức tối thiểu nhưng áp lực thành tích tăng lên, thay vì thoải mái khám phá bản thân, cầu thủ trẻ lại bị "ép lớn". Các trận đấu của những giải U19, U21 hiện nay hầu như không khán giả và không được truyền thông, nhưng các nhà tổ chức vẫn bỏ ra một khoản chi phí lớn để tổ chức trong các sân vận động thêng thang không bóng người. Trong khi đó, hoàn toàn có thể tổ chức giải giải U19 League, Reserve (U21) League ở những sân tập của các CLB. Đằng nào cũng không có khán giả đến sân, tổ chức như thế sẽ không làm phát sinh chi phí nhiều nếu thể thức thi đấu phân theo khu vực, hạn chế di chuyển xa tốn kém.

Các CLB chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay buộc phải có ba tuyến trẻ, buộc phải cử đội tham gia các giải trẻ chính qui. Nhưng số lượng trận đấu của các tuyến trẻ trong một năm quá ít, nên nhiều CLB "lách luật" bằng cách mượn các đội trẻ từ nơi khác, rồi cử đi tham gia chiếu lệ. Nếu như tổ chức theo hình thức League, sử dụng cơ sở vật chất có sẵn, không tốn quá nhiều chi phí mà vẫn giúp các cầu thủ đá trên 30 trận mỗi năm thì có lẽ các CLB cũng sẵn sàng đầu tư cho tuyển trẻ. Bởi nói cho cùng, nếu có nhiều trận đấu cũng sẽ giúp CLB phát hiện được tài năng mà đôn sớm lên đội 1, và tiết kiệm chi phí chuyển nhượng.

Bóng đá trẻ Việt Nam đang rơi vào tình trạng rất buồn cười: Đội tuyển thi đấu tốt, cầu thủ có thu nhập cao, thì chắc chắn sẽ có nhiều trẻ em muốn được làm cầu thủ chuyên nghiệp, đăng ký vào các trung tâm đào tạo. Hệ thống đào tạo tư nhân hiện nay cũng đã nhiều hơn, qui mô hơn. Nghĩa là, ở phần đáy (đào tạo) và phần đỉnh (đội tuyển) đã phát triển rất mạnh. Thế nhưng ngay khúc giữa (hệ thống thi đấu trẻ) lại chẳng hề thay đổi.

15 năm trước, HLV Alfred Riedl từng than thở rằng ông luôn mất thời gian hướng dẫn kỹ thuật cơ bản, chiến thuật lại từ đầu mỗi khi gọi các cầu thủ Việt Nam lên tuyển. Bây giờ, đội ngũ của HLV Park Hang-seo đang rơi vào tình trạng tương tự. Tầm 21-22 tuổi mà cứ như "tờ giấy trắng" thì chỉ còn biết đợi chờ may mắn trao cho một thế hệ đột biến nào đó.


Song Việt/vnexpress.net

https://vnexpress.net/khoang-trong-vo-dinh-phia-sau-doi-tuyen-viet-nam-4151378.html

  • Từ khóa