Tiếp thu tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp của Quốc hội

Thứ 2, 26.07.2021 | 10:19:24
750 lượt xem

Tôi rất tâm đắc với bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 16/7/2021.

Nhìn từ góc độ của một người hành nghề luật, tôi cảm nhận sâu sắc về những giá trị vô cùng đặc biệt trong di sản tư tưởng mà Bác Hồ để lại và thành tâm mong muốn nhiệm kỳ mới của Quốc hội sẽ chuyển hóa các giá trị này trong hoạt động lập pháp hướng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vì sự bình an của nhân dân. Trong bối cảnh Đảng ta đang tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 và Kết luận 84/-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị, hoạt động lập pháp của Quốc hội chính nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, trong đó phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân.

Khi đề cập vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, một khía cạnh cần được nhận thức và hiểu rõ tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh là sự tiếp nối tinh thần nhân văn Á Đông của cha ông ta để lại. Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) từng bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa” (1). Nhà vua khi ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” (2).

Trong hệ thống luật thành văn (Luật Hồng Đức sau này) còn ghi nhận rất nhiều quan điểm mới, tiến bộ về việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người phạm tội, cho phép họ tự bào chữa và bảo đảm việc “tranh biện” kỹ lưỡng (3). Theo một tài liệu nghiên cứu, có một điểm khá đặc sắc dưới đời vua Minh Mạng (1820 - 1840) là Ty Tam Pháp - được coi là pháp đình cao nhất ở nước ta thời đó. Ty Tam Pháp là một cơ quan gồm có các quan cao cấp ở Đại Lý Tự, Đô Sát Viện và Hình bộ tập hợp lại. Hằng tháng, vào các ngày sáu, mười sáu và hai mười sáu (âm lịch), Ty Tam Pháp khai hội đồng ở một tòa nhà trong Kinh đô gọi là Công chính đường để thu nhận các đơn khiếu nại. Trong ba ngày đó, dân chúng trong toàn quốc được đến Công chính đường để nộp các đơn kháng của mình về các vụ kiện đã bị quan tỉnh xử oan ức. Nếu không gặp đúng ba ngày này, người dân nào muốn kêu oan về việc gì đó có quyền đến trước Công chính đường đánh trống kêu oan để xin cơ quan tài phán này duyệt xét lại vụ án của mình (4).

Sau 10 năm bôn ba qua các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ…, vừa lao động vừa kiếm sống, bằng nhãn quan tinh tường và trực tiếp hòa mình vào đời sống của giai cấp công nhân cùng khổ, Người đã thực chứng những thảm cảnh mà đế quốc thực dân đã gây ra cho người dân thuộc địa. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc vạch trần những tội ác tày đình của thực dân Pháp đối với dân tộc ta, thông qua chính sách thuế máu, chính sách ngu dân và đầu độc người bản xứ; những kẻ cai trị và “khai hóa” tàn ác; chính sách bóc lột người bản xứ và thứ công lý của kẻ thực dân (5).

Người cũng đã có điều kiện để tiếp cận với các hệ tư tưởng khác nhau, trong đó có tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản mới hình thành, trong đó phải kể đến Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), cùng các tư tưởng và học thuyết về Nhà nước và pháp luật của giai cấp tư sản. Cơ sở để khẳng định điều này chính là sự phản ánh trong các bài viết, tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo chí và sự vận dụng nhuần nhuyễn những tư tưởng pháp lý này được nâng lên từ quyền tự do dân chủ và nhân quyền của cá nhân thành quyền của các dân tộc trên thế giới. Chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc mới thật sự thấm nhuần tư tưởng về tự do dân chủ của người dân không thể tách rời với quyền của các dân tộc thuộc địa. Không có độc lập dân tộc thì không thể có quyền tự do dân chủ của nhân dân và ngược lại, không có quyền tự do dân chủ của nhân dân thì cuộc cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và tiến hành mất đi động lực chủ yếu của nó.

Cũng trong một cách tiếp cận như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng việc kiến thiết đất nước sau khi giành chính quyền còn khó hơn vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của các tầng lớp nhân dân, ngay trong hoạt động xét xử “nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng” (6). Trên một khía cạnh khác, Người quan niệm: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (7).

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân đã chỉ rõ: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân” (8). Suy rộng ra, nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta là nói đến vấn đề quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật. Người còn quan niệm: “Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời, và làm người” (9). Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “khởi xướng nền chính trị và pháp quyền vì con người, cho con người và của con người” (10). Để thực hiện cho được tư tưởng nhân quyền bao la đó, Người đã cùng Đảng ta chỉ đạo việc xây dựng Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Đông Nam Á, chứa đựng những tinh hoa cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân của Đảng ta.

Một trong những sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thiết lập chế định luật sư cách mạng cho phù hợp với chính quyền non trẻ nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thông qua việc ban hành Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945. Điều 67 của Hiến pháp năm 1946 quy định: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Sau này, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đều coi quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa là quyền Hiến định, và lần đầu được coi là quyền con người trong chương II Hiến pháp 2013. Từ đây, chế định luật sư đã trở thành chế định Hiến pháp - làm nền tảng cho toàn bộ hoạt động của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn hết sức quyết liệt, giữa bộn bề công việc của chính quyền cách mạng, trong khi tổ chức hành nghề luật sư như quy định trước đây chưa có điều kiện thực tế để hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949, quy định về chế định bào chữa viên nhân dân: “Từ nay đến khi nào có thể lệ khác, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư, bào chữa cho”. Có thể nói, chế định bào chữa viên nhân dân là một chế định đặc thù, mang tính sáng tạo trong một giai đoạn lịch sử cách mạng của nước ta, không giống với bất kỳ một chế định tương tự nào của các nước trên thế giới, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với những người bị buộc tội trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Người luôn tâm niệm dưới chế độ dân chủ nhân dân, quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của người công dân. Khi kiểm điểm việc thực hiện quyền bào chữa của bị can trong công tác điều tra và xét xử về hình sự theo chỉ đạo của Bác Hồ, Thông tư số 2225- HCTP năm 1956 của Bộ Tư pháp đã nhận định phù hợp với tinh thần Đại hội luật gia dân chủ quốc tế họp năm 1956, coi quyền tự do bào chữa là “thành trì cần thiết cho các quyền tự do khác”. Xâm phạm đến quyền tự do bào chữa thì không thể nào thực hiện được các quyền tự do dân chủ khác, mặc nhiên thủ tiêu các quyền tự do đó (11).

Từ một số cảm nhận nêu trên, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một trong những yêu cầu hoạt động lập pháp nhiệm kỳ này là phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân, giữ vững mối liên hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa Nhà nước và xã hội; bảo đảm quyền con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội. Quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp. Mô hình quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân được xác định theo nguyên tắc: Đối với cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; đối với công dân được làm tất cả trừ những điều pháp luật cấm.

Do đó, Quốc hội nhiệm kỳ mới cùng với việc quan tâm sửa đổi, bổ sung các đạo luật trọng yếu (trong đó có Luật Đất đai), tạo môi trường pháp lý an toàn cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển kinh tế, cần sớm đưa vào chương trình xây dựng luật các luật về hội, Luật Biểu tình là những tồn tại trong thi hành Hiến pháp năm 2013, có cơ chế thực thi và bảo đảm các quyền và tự do của công dân.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tiep-thu-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-trong-hoat-dong-lap-phap-cua-quoc-hoi--656727/

  • Từ khóa