Người Sán Chỉ xã Thống Nhất (Lộc Bình): Giữ gìn nét văn hóa mặc trang phục truyền thống

Thứ 3, 27.10.2020 | 10:33:34
943 lượt xem

Với mong muốn bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục dân tộc, người Sán Chỉ xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình luôn trân trọng và tích cực giữ gìn nét văn hóa mặc trang phục truyền thống.

Xã Thống Nhất có 1.690 hộ với hơn 6.790 nhân khẩu, trong đó có  411 hộ với 1.670 người dân tộc Sán Chỉ. Ở xã Thống Nhất, người Sán Chỉ cư trú ở các thôn: Bản Rọc, Hán Sài, Khau Phầy, Nà Mò, Nà Pán, Pò Mạ. Bà Lý Thị Cả, công chức văn hóa – thông tin xã Thống Nhất cho biết: Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ mộc mạc nhưng ẩn chứa những nét độc đáo riêng. Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục không bị mai một cùng thời gian, nhiều người dân, nhất là phụ nữ lớn tuổi đã tích cực truyền dạy cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vì thế, đến nay, trang phục dân tộc của người Sán Chỉ ở xã vẫn được người dân mặc trong sinh hoạt, lao động hằng ngày và trong các sự kiện lớn như: cưới hỏi, tết, lễ hội…

Người dân tộc Sán Chỉ xã Thống Nhất thêu trang phục truyền thống

Thôn Nà Pán là 1 trong những thôn tiêu biểu vẫn giữ gìn được nghề làm trang phục dân tộc truyền thống. Một trong những người tích cực truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ sau cách thêu những hoa văn cho bộ trang phục đặc sắc của người Sán Chỉ là bà Hoàng Thị Phát, 70 tuổi. Từ năm 15 tuổi, bà Phát đã học mẹ thêu thùa. Bà Phán cho biết: Đã có biết bao cô gái dân tộc Sán Chỉ ở trong thôn lớn lên, đi lấy chồng được tôi may và thêu cho những bộ trang phục dân tộc mặc trong ngày cưới. Để không bị mất đi nét đẹp này, tôi thường xuyên truyền lại cho phụ nữ trong thôn về cách may, thêu trang phục.

Để hoàn thành một bộ trang phục, người Sán Chỉ phải trải qua những công đoạn rất công phu và tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời.

Từ mảnh vải được nhuộm chàm thô ráp nhưng qua đôi tay những người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ của xã Thống Nhất lại trở nên hấp dẫn và mềm mại. Trước đây, các bộ trang phục này, sau khi được nhuộm chàm, cắt theo số đo thì được khâu thủ công, nay đã được cắt và may bằng máy nên thời gian hoàn thiện cũng được rút ngắn hơn.

Trang phục của người dân tộc  Sán Chỉ được thêu hoa văn ở tà, viền và cổ áo. Điểm nhấn trong trang phục là các mép áo có đường viền là một dải màu đỏ. Vào những lúc nhàn rỗi, họ tự may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Phụ nữ  Sán Chỉ luôn mặc áo chàm 2 mảnh dài qua đầu gối, áo mặc theo cặp. Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc, nhưng thường là áo sáng màu. Khi mặc phải kết hợp với vấn tóc, đội khăn đen. Trang phục nam đơn giản hơn nhưng toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ với áo chàm được may theo kiểu bà ba có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rộng.

Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Việc giữ gìn trang phục truyền thống luôn được chính quyền và người dân trong xã quan tâm. Đặc biệt, với sự tâm huyết của các bà, các mẹ trong việc truyền dạy nghề thêu váy áo truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ con cháu, hiện nay, những phụ nữ trẻ tuổi người Sán Chỉ trong xã đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan tuyên truyền cho người dân tộc Sán Chỉ tự may thêu, sử dụng trang phục dân tộc. Chính quyền xã sẽ tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng và khuyến khích người dân tộc Sán Chỉ mặc trang phục dân tộc khi tham gia. qua đó, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc trên địa bàn.

HOÀNG HƯƠNG/baolangson

http://baolangson.vn/van-hoa/320252-nguoi-san-chi-xa-thong-nhat-loc-binh-giu-gin-net-van-hoa-mac-trang-phuc-truyen-thong.html

  • Từ khóa