Ôtô Trung Quốc tấn công thị trường Đông Nam Á

Thứ 7, 26.09.2020 | 08:31:18
959 lượt xem

Bên cạnh SAIC tại Indonesia, Geely tại Malaysia, hãng xe sản xuất SUV và bán tải lớn nhất Trung Quốc, GWM đầu tư gần 700 triệu USD vào Thái Lan.

"Hoạt động kinh doanh của GWM - Great Wall Motors (Công ty ôtô Trường Thành) bao gồm kế hoạch bán các mẫu SUV, xe bán tải vào đầu 2021, tương ứng khoản đầu tư gần 700 triệu USD và tạo ra 3.435 việc làm", Suriya Jungrungreangkit, bộ trưởng công nghiệp Thái Lan cho biết sau cuộc gặp với Zhang Jiaming, chủ tịch GWM phụ trách ASEAN. "Hãng kỳ vọng dây chuyền hoạt động sản xuất sẽ hoàn thiện vào khoảng quý IV/2020".

Sau khi mua lại nhà máy Rayong của General Motors (GM) hồi tháng 2/2020, GWM bắt đầu hoạt động kinh doanh của hãng xe Trung Quốc tại Thái Lan, công xưởng sản xuất xe lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN). Trước đó, hãng này đã đầu tư nhà máy tại Malaysia.

Bên trong nhà máy Rayong GM ở Thái Lan thời còn hoạt động. Ảnh: Carscoops

Bên trong nhà máy Rayong GM ở Thái Lan thời còn hoạt động. Ảnh: Carscoops

Tương tự các hãng xe đồng hương, tham vọng của GWM không chỉ doanh số nội địa. "Chúng tôi sẽ mở rộng sự hiện diện tại ASEAN với Thái Lan là trung tâm sản xuất và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, cũng như thị trường Australia", Liu Xiangshang, phó chủ tịch GWM phụ trách chiến lược toàn cầu, cho biết.

Nhà máy của GM được GWM mua lại nằm trong Khu vực công nghiệp bờ biển phía đông. Nhà máy lắp ráp xe công suất 180.000 xe/năm, nhà máy động cơ 120.000 đơn vị/năm. Tổng mức đầu tư là 1,4 tỷ USD. Lượng công nhân 1.900 người với 1.200 người ở nhà máy lắp ráp xe.

GMW cho biết công suất ban đầu của nhà máy tại Thái Lan khoảng 80.000 xe/năm. 45% thành phần linh kiện nội địa được hãng xe Trung Quốc sử dụng trong năm 2021 khi nhà máy bước đầu vận hành. Tỷ lệ nội địa hóa kỳ vọng tăng lên 90% trước 2025. Đây là cơ sở quan trọng để hưởng thuế ưu đãi 0% nếu xuất xe từ Thái Lan sang các quốc gia ASEAN theo Hiệp định thương mại ATIGA có hiệu lực từ 2018.

Cơ sở sản xuất ở Thái Lan là nhà máy thứ 6 của GWM trên quy mô toàn cầu sau Bulgaria, Iran, Malaysia, Nga và Senegal. Hãng có tham vọng sản xuất pin và động cơ điện, tấn công phân khúc xe hybrid, xe điện vốn được chính phủ Thái Lan khuyến khích bằng nhiều chính sách hỗ trợ giá.

MG HS, mẫu CUV bán chạy thứ hai phân khúc sau 8 tháng 2002, xếp trên Honda CR-V, Mazda CX-5 tại Thái Lan. Ảnh: Headlight Magazine

MG HS, mẫu CUV bán chạy thứ hai phân khúc sau 8 tháng 2020, xếp trên Honda CR-V, Mazda CX-5 tại Thái Lan. Ảnh: Headlight Magazine

Lần đầu tư mạnh của GWM tại Thái Lan nằm trong xu hướng tăng cường sức ảnh hưởng của các hãng xe Trung Quốc tại ASEAN, lãnh địa xe Nhật Bản nắm ưu thế tuyệt đối nhờ số lượng thương hiệu và hiện diện từ lâu. SAIC, tập đoàn ôtô Thượng Hải đã có nhà máy sản xuất tại Indonesia, Thái Lan.

MG, hãng xe Anh thuộc quyền sở hữu của SAIC là thương hiệu con hoạt động mạnh nhất của hãng tại ASEAN. MG thông qua nhà phân phối Tan Chong (Malaysia) xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu bán xe từ tháng 7/2020, cũng có kế hoạch lắp ráp ở nhà máy tại Đà Nẵng từ cuối 2021.

Một hãng xe Trung Quốc khác cũng không muốn bỏ lỡ thị trường tiềm năng ASEAN là Geely. Tập đoàn sở hữu thương hiệu Volvo (Thụy Điển) mua 49,9% cổ phần hãng xe lớn nhất Malaysia, Proton hồi tháng 5/2017.

X50, mẫu xe thứ hai sau X70 được Proton phát triển từ nền tảng mẫu xe Geely, Binjue. Ảnh: Paultan

X50, mẫu xe thứ hai sau X70 được Proton phát triển từ nền tảng mẫu xe Geely. X50 là bản sao của Binyue, một mẫu CUV cỡ B tại thị trường đại lục. Ảnh: Paultan

Nhà máy của Proton bắt đầu lắp ráp các sản phẩm kiểu rebadge (mua bản quyền, đổi logo) từ xe Geely vào nửa cuối 2019. Hãng xe Trung Quốc muốn biến Malaysia thành trung tâm sản xuất dòng xe tay lái nghịch (vô-lăng bên phải), thâm nhập vào hệ thống phân phối địa phương cũng như các quốc gia ASEAN.


Phạm Trung/vnexpress.net

https://vnexpress.net/oto-trung-quoc-tan-cong-thi-truong-dong-nam-a-4167213.html

  • Từ khóa