Xăng tăng giá hơn 5% đã tác động tới lạm phát tháng 11 ra sao?

Thứ 3, 29.11.2022 | 14:49:02
1,041 lượt xem

Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng là những nguyên nhân chính khiến tháng 11 tăng 0,39% so với tháng trước. Tới nay, CPI đã tăng 4,56% so với đầu năm.

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, bình quân 11 tháng năm nay, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Trong mức tăng 0,39% của CPI tháng 11 so với tháng trước có tới 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Xăng tăng giá hơn 5% đã tác động tới lạm phát tháng 11 ra sao? - 1

Giá xăng tăng là yếu tố chính ảnh hưởng tới CPI tháng 11 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhóm giao thông là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất với 2,23%, qua đó kéo CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm. Mức tăng giá ở nhóm này xuất phát từ ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/11, ngày 11/11 và ngày 21/11 khiến giá xăng dầu tăng 5,83% (xăng tăng 5,84%; dầu diesel tăng 5,25%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,97% (làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm) do nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 1,54. Việc giá gas tăng 5% do từ ngày 1/11, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12kg sau khi giá gas thế giới tăng 35 USD/tấn (từ mức 575 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn); giá dầu hỏa tăng 7,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá ngày 1/11, 11/11 và 21/11 cũng đẩy tăng chỉ số giá ở nhóm này.

Các nhóm hàng hóa khác như đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch cũng có chỉ số giá tăng so với tháng 10.

3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm được thống kê là nhóm giáo dục (giảm 0,63%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,07% và nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,02%).

Lạm phát cơ bản  tháng 11 tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 11 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Xăng tăng giá hơn 5% đã tác động tới lạm phát tháng 11 ra sao? - 2

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 11 và 11 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: TCTK).

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/11, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.727,52 USD/ounce, tăng 3,33% so với tháng 10/2022. Giá vàng tăng mạnh do lạm phát Mỹ tháng 10 đã hạ nhiệt, kéo theo kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11 tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 3,95% so với cùng kỳ; bình quân 11 tháng tăng 5,88% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng USD trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11, Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%. Đây là lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp do Fed đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 3. Tuy nhiên, sau khi lạm phát Mỹ trong tháng 10 thấp hơn dự kiến đã khiến đồng USD giảm mạnh.

Tính đến ngày 25/11, chỉ số USD bình quân tháng 11 trên thị trường quốc tế đạt mức 108,16 điểm, giảm 3,4 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.855 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 11 tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.


Mai Chi/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xang-tang-gia-hon-5-da-tac-dong-toi-lam-phat-thang-11-ra-sao-20221129140126471.htm

  • Từ khóa