Trả lời bạn xem truyền hình ngày 06/12/2022

Thứ 3, 06.12.2022 | 18:00:28
1,623 lượt xem

LSTV - Tuần 1 Thứ ba, ngày 06 tháng 12 năm 2022

Câu 1. Ông Trần Văn Ngọc, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất?

          Trả lời: 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Việc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất, được thực hiện theo quy định của Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ  quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13, cụ thể như sau:

1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

4. Hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo quy định của Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, quy định về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận như sau:

- Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

+ Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

5. Đo đạc lại đất khi cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo quy định của Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất, cần đo đạc lại đất nếu không còn các thông tin ghi nhận về diện tích đất đã đo trước đó, hoặc do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp từ rất lâu nên bị sai lệch, mờ thông tin hoặc mất thông tin,... Do đó cơ quan quản lý đất đai có quyền thực hiện việc đo đạc lại đất khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Câu 2. Bà Lý Thị Trang, trú tại xã Đông Quan, huyện Lộc Bình hỏi: Những quyền lợi nào mà lao động là nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng theo quy định của Pháp luật?

          Trả lời:

Pháp luật quy định người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được hưởng những chế độ đặc biệt, cụ thể như sau:

- Người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quy định tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019)

- Không được xử lý kỷ luật lao động với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quy định tại Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.

- Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quyền từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi có yêu cầu của người sử dụng lao động được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.

- Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được:

Chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quy định tại Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019).

- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.

- Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quy định tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.

- Được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

 Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ được quy định tại Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Lao động nữ đóng BHXH bắt buộc, con bị ốm đau  và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/mỗi con không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần được quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của những ông (bà) có tên sau:

1. Ông Ma Ngọc Hoài trú tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn gửi đơn tố giác yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan đến ông trong hoạt động mua bán trái cây xuất khẩu qua biên giới.

Trong nội dung đơn của ông, phần nơi gửi đã gửi đến những cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

2. Ông Hoàng Văn Tòong trú tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan về việc bảo vệ quyền sở hữu đất nông nghiệp và giải quyết trả lại mặt bằng đất canh tác lúa.

Trong nội dung đơn của ông, phần nơi gửi đã gửi đến những cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

  • Từ khóa