Trả lời bạn xem truyền hình ngày 28/7/2020

Thứ 3, 28.07.2020 | 10:30:36
700 lượt xem

Câu 1. Ông Phạm Hoàng Nam, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Vợ chồng tôi đang thương thảo để mua lại thửa đất của gia đình nhà hàng xóm. Khi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ, chúng tôi thấy thửa đất này đã được chuyển nhượng qua rất nhiều người, mỗi lần đều có ghi tên của chủ mới, và gia đình nhà hàng xóm là người cuối cùng. Xin hỏi, nếu hai bên hoàn thành việc mua bán, trong khi trên giấy chứng nhận không còn chỗ để ghi tên vợ chồng tôi thì sẽ thực hiện như thế nào (Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp bổ sung hay đổi cho vợ chồng tôi giấy chứng nhận mới?)

Trả lời:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, “đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính”.

Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng; thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký; nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

Thông tin của Ông cho thấy, nếu hai bên giao dịch thành công, trường hợp của vợ chồng bạn là đăng ký biến động đất đai.

Khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

“a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất”.

Khi đăng ký biến động đất đai, với tư cách người sử dụng đất, vợ chồng bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Lưu ý, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, vợ chồng Ông phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một trong những trường hợp xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp để trao cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, theo điểm a khoản 1 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là “nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất, quyền sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã cấp Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn; hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật”.

Có nghĩa là, về nguyên tắc, thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận nên việc đăng ký biến động khi thay đổi về người có quyền sử dụng đất là vợ chồng Ông sẽ được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận trên Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, theo điểm i khoản 2 của Điều này, “các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi” sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vì thế, nếu trên Giấy chứng nhận (trang 4) không còn chỗ, vợ chồng Ông sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

Câu 2. Ông Hoàng Mạnh Kiên trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là bao lâu? 

Trả lời:

Từ ngày 01/7/2020, có 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (được quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam): 

(1) Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

(2) Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

(3) Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

(4) Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

(5) Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

(6) Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

(7) Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

(8) Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

(9) Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với 9 trường hợp nêu trên được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, cụ thể: Trường hợp (1): thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Trường hợp (2), (3), (4), (5) và (6): thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Trường hợp (7): thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 01 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 01 năm; Trường hợp (8): thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 06 tháng và có thể gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 06 tháng; Trường hợp (9): thời hạn tạm hoãn xuất cảnh được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an./.

  • Từ khóa