Trả lời bạn xem truyền hình ngày 4/8/2020

Thứ 3, 04.08.2020 | 14:03:48
1,295 lượt xem

Câu 1. Ông Nguyễn Mạnh Trung, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi muốn hủy bỏ thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng đã được công chứng trước khi kết hôn có được không?

Trả lời:

Vợ chồng hoàn toàn được quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng đã được công chứng trước khi kết hôn. Điều 49 Luật hôn nhân và gia đình quy định: Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

Vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, như sau:

- Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

- Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

- Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

- Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

 Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này. Tức là thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Pháp luật không quy định hạn chế số lần vợ chồng sửa đổi, bổ sung thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng.

Vợ chồng được quyền hủy bỏ thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng đã được công chứng trước khi kết hôn. Cụ thể Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình quy định: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

Căn cứ vào Điều 7 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Như vậy, khi vợ chồng hủy bỏ thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì đương nhiên việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng… được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Câu 2. Ông Nông Hoàng Minh, trú tại xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng hỏi: pháp luật quy định về quyền tài sản của trẻ em như thế nào? Ai có quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của trẻ em?

Trả lời:

Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.(Điều 20 Luật trẻ em năm 2016)

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, quyền có tài sản riêng của con

Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con

Con từ đủ mười lăm tuổi trở lên còn sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập thì đóng góp vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Thứ hai, quản lý tài sản riêng của con

- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

- Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

- Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thứ ba, định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015 Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. 

Theo đó, Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên như sau:

- Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ  hoặc người giám hộ.

Câu 3. Ông Nông Văn Hồng trú tại Xã Hoa Thám, huyện Bình Gia hỏi: pháp luật quy định như thế nào về quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 229 Bộ luật dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, thì người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

- Nếu tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

- Nếu tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Nhắn tin: trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được những đơn thư của ông (bà) có tên sau:

1. Ông Triệu Văn Họp, trú tại xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thắc mắc về việc UBND xã An Sơn, huyện Văn Quan đền bù thiệt hại về đất và tài sản bị ảnh hưởng do xây dựng đường giao thông đối với gia đình ông chưa thỏa đáng.

Đơn thư của ông chúng tôi đã chuyển đến UBND huyện Văn Quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2. Ông Hứa Ký Minh, trú tại thôn Pác Lùng, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc phản ánh về việc ông chưa được nhận tiền hỗ trợ người có công với cách mạng xây nhà ở.

Đơn thư của ông chúng tôi đã chuyển đến UBND huyện Cao Lộc để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa