Trả lời bạn xem truyền hình ngày 01/9/2020

Thứ 3, 01.09.2020 | 14:21:32
627 lượt xem

Câu 1. Ông Phạm Tuấn Tú, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và điều kiện ghi chú kết hôn dược pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CPngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài như sau:

“1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

2. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch”.

- Thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch 2014 như sau : “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”.

- Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn quy định tại Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP như sau: Hồ sơ ghi chú kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Luật Hộ tịch, gồm các giấy tờ sau đây:

“a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

c) Ngoài giấy tờ nêu trên, nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng của cả hai bên nam, nữ; nếu là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.”

Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.

Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: Thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

“a) Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là đủ điều kiện theo quy định, Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

b) Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối”.

Việc nộp và tiếp nhận hồ sơ được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Hộ tịch và Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP như sau:

“Khi yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến”;

“ Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ”.

Câu 2. Bà Vũ Kiều My, trú tại xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng hỏi: Quy định của pháp luật về Xử lý hành vi nhập cảnh trái phép, tổ chức cho người nước ngoài  nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, “Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam”.

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật này là “Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”.

Người vi phạm quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể:

1. Đối với người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam:

Theo điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, người thực hiện hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” hoặc thực hiện hành vi được quy định tại điểm b của khoản này là “trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Theo điểm d khoản 6 của Điều này, “Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền” bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Đồng thời, người nước ngoài có một trong các hành vi vi phạm hành chính nêu trên, theo khoản 9 của Điều này, “thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015, “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép.

2. Đối với người có hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam:

Theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi “Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép” bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Hành vi “Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép” được quy định tại điểm đ khoản 6 của Điều này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Nếu người vi phạm là người nước ngoài, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép như sau:

“1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Mức hình phạt cao nhất mà người phạm Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là bị phạt đến 15 năm tù giam. Ngoài ra, nếu hành vi này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người này còn bị xử lý hình sự theo Điều 240 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người./.

  • Từ khóa