Trả lời bạn xem truyền hình ngày 15/9/2020

Thứ 3, 15.09.2020 | 10:47:37
1,310 lượt xem

Câu 1. Ông Trần Bình Minh, trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng sơn hỏi: Người sử dụng nước sinh hoạt phải chịu một khoản phí, gọi là phí bảo vệ môi trường. Xin cho biết cách tính loại phí này và các trường hợp không phải chịu phí?

Trả lời:

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải ra môi trường theo quy định. 

Theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020), nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của: 

a) Hộ gia đình, cá nhân. 

b) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác (gồm cả trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức này), trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức này. 

c) Cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy. 

d) Cơ sở khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. 

đ) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác không thuộc đối tượng chịu phí nước thải công nghiệp.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí. 

Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau: 

Số phí phải nộp (đồng)   =       Số lượng nước sạch sử dụng (m3)       x        Giá bán nước sạch

(đồng/m3)   x        Mức thu phí

Trong đó:

a) Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.

b) Giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn.

Các trường hợp được miễn phí nước thải sinh hoạt gồm: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; c) Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng.

Câu 2. Ông Hoàng Trung Hiếu, trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình hỏi: Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện theo kế hoạch thì được hưởng những chế độ gì và trong trường hợp xẩy ra tai nạn thì được giải quyết thế nào?

Trả lời:

Chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ được Luật Lực lượng dự bị động viên quy định và Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Chế độ tiền lương và phụ cấp: Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch.

Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng nói trên được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.

2. Quân nhân dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

3. Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp.

4. Quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

5. Quân nhân dự bị khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng chế độ, chính sách như đối với người lao động làm cùng công việc.

6. Quân nhân dự bị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

7. Quân nhân dự bị không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ, chính sách như sau:

a) Được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y; được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, tiền ăn bệnh lý theo hóa đơn thu tiền (nếu điều trị nội trú); nếu hết thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động mà phải tiếp tục điều trị thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày.

b) Quân nhân dự bị nếu bị tai nạn được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khám, giám định kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp trong trường hợp: Trên đường từ nơi ở đến nơi tập trung huấn luyện hoặc khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện trở về nơi ở; trong giờ làm việc và tại nơi thực hiện nhiệm vụ; ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm nhiệm vụ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền.

Suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp một lần bằng 8.000.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.

c) Trường hợp chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57.600.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng. Chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp một lần bằng 4.800.000 đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng./.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Hoàng Công Chức trú tại thôn Nà Riềng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, trong nội dung đơn của ông khiếu nại về việc tranh chấp đất đai, tài sản chưa được giải quyết kịp thời.

Đơn thư của ông, Đài PTHH tỉnh Lạng Sơn sẽ chuyển tới UBND xã Bình Trung huyện Cao Lộc để giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa