Trả lời bạn xem truyền hình ngày 8/9/2020

Thứ 5, 17.09.2020 | 15:21:20
674 lượt xem

Câu 1. Ông Lê Hoàng Nam, trú tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định hỏi: Gia đình tôi định cư ở nước ngoài. Sắp tới, em trai tôi sẽ về Việt Nam đầu tư, sản xuất. Em trai hiện đã mang quốc tịch nước ngoài. Để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt và làm việc, đồng thời tạo mối liên hệ máu thịt với quê hương bản quán, không biết em trai tôi có thể xin nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời vẫn giữ quốc tịch hiện có hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 1 Luật Quốc tịch năm 2008, “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.Ở Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Đó là quyền nhân thân của cá nhân. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi trở lại quốc tịch Việt Nam do pháp luật quy định. Theo Điều 4 của Luật này, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.

Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp đặc biệt như sau:

- Khoản 1 Điều 13 của Luật này, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch năm 2014 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam”.

Tại khoản 1 Điều 19 quy định điều kiện nhập quốc tịch như sau:

"1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết Tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin quốc tịch Việt Nam

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam

- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này. Đó là:

“a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thì người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Khoản 2 Điều 8 Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thì người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần đáp ứng các điều kiện như biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam; đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Theo khoản 3 của Điều 19, “Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”.

Người nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài. Có nghĩa là, sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, người này chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 19 nêu trên, được coi là trường hợp đặc biệt, trình Chủ tịch nước xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Bao gồm:

“1. Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

4. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

5. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tóm lại, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, em trai ông được coi là trường hợp đặc biệt và được cơ quan có thẩm quyền trình Chủ tịch nước xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Cũng cần lưu ý, theo Điều 5 của Nghị định này, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Khi được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu điều ước quốc tế có quy định khác, em trai ông chỉ được sử dụng quốc tịch Việt Nam trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Câu 2. Ông Trần Khánh Ninh, trú tại Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Các đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo quy định của pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Luật đấu giá tài sản quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên như sau:

- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá (có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; Thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá), trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá (Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên).

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Tuy nhiên, theo Điều 15 Luật đấu giá tài sản thì những trường hợp sau đây không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, cụ thể như sau:Không đủ tiêu chuẩn làm đấu giá viên quy định tại Điều 10 của Luật đấu giá tài sản; Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;  Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích. Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của bà Hoàng Thị Mười trú tại tổ 5, khối 9, Thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, trong nội dung đơn của bà thể hiện những vướng mắc liên quan đến tài sản.

Trong nội dung đơn của bà chưa thể hiện cụ thể, rõ ràng từng vấn đề trọng tâm cần giải đáp, vì vậy không có đủ căn cứ để giải đáp những vướng mắc trên theo quy định của pháp luật./.

  • Từ khóa