Trả lời bạn xem truyền hình ngày 29/9/2020

Thứ 4, 30.09.2020 | 07:57:52
1,438 lượt xem

Câu 1. Ông Trần Minh Đức, trú tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng hỏi: Xin hỏi, người nước ngoài có được sở hữu nhà tại Việt Nam hay không? Nếu được thì phải đáp ứng điều kiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.

Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Để có thể sở hữu nhà tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài phải thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này, bao gồm:

“a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam”.

Theo khoản 2 của Điều này, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

“a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.

Đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 160 của Luật này. Cụ thể:

“1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam”.

 Giấy tờ chứng minh người nước ngoài thuộc đối tượng và đáp ứng điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 74 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Đó là: “đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam”.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Câu 2. Ông Hà Văn Dũng, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Các quy định của pháp luật về Xử lý hành vi tẩy xoá, sửa chữa giấy khai sinh để xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân như thế nào?

Trả lời:

Vi phạm quy định về cấp, sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bị xử lý theo Điều 40 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

b) Cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

d) Sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng mục đích ghi trong giấy xác nhận.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, các điểm a, b và c khoản 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo đó, hành vi tẩy xóa, sửa chữa giấy khai sinh để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng. Đồng thời, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật đối với giấy tờ này.

Nhắn Tin: Trong tuần vừa qua, chúng tôi có nhận được đơn thư của ông Hoàng Công Thược, trú tại Thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia thắc mắc về việc giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên đối với Ban chỉ huy quân sự xã của ông mà chưa được giải quyết.

Đơn thư của ông, Đài PT-TH tỉnh đã chuyển đến UBND huyện Bình Gia để giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa