Trả lời bạn xem truyền hình ngày 20/10/2020

Thứ 3, 20.10.2020 | 14:36:12
744 lượt xem

Câu 1. Ông Vi Văn Chung, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Tôi là Hòa giải viên ở khu phố, tôi xin hỏi những trường hợp mâu thuẫn tranh chấp nào trong nhân dân, tổ hòa giải được hòa giải, trường hợp nào không được hòa giải?

Trả Lời:

Theo Điều 5 Luật hòa giải ở cơ sở quy định như sau:

1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; 

đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

Không bị khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính;

g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;

d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;

đ) Mâu thuẫn, tranh chấp về thương mại; tranh chấp về lao động. 

Câu 2. Ông Lương Văn Kiên, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc hỏi: Khi đặt biển hiệu quảng cáo ngoài trời gắn cố định vào nhà ở có phải xin phép không? pháp luật quy định như thế nào về việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012 quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo như sau:

2. Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây:

a) Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;

b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

c) Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m­2) trở lên.

Nếu biển quảng cáo của nhà ông đã có kích thước lớn hơn 20m2 và kết cấu bằng khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì ông cần chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép cho biển quảng cáo.

 Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012 gồm có:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

- Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;

- Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;

- Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.

Câu 3. Ông Nông Văn Sáu, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi xây nhà ở được 1 năm thì nhà hàng xóm liền kề bị lún, nứt. Theo quy định của pháp luật thì tôi có bị xử phạt và bồi thường không?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng:

 Xử phạt hành vi thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận, công trình hạ tầng kỹ thuật như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn hoặc công trình xây dựng khác;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”

Có thể thấy, nếu nhà của ông xây lên dẫn tới công trình xây dựng của người hàng xóm đó bị sụt, lún, nứt thì nếu có căn cứ cho rằng tình trạng này do chính việc ông xây nhà gây ra thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình ông. Việc này sẽ do thanh tra xây dựng hoặc những tổ chức có chuyên môn về việc đánh giá, kiểm tra công trình tiến hành xác định. Nếu lỗi hoàn toàn do gia đình ông thì ngoài bị xử phạt hành chính, ông còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Hoàng Văn Tiệu, trú tại xã Hồng Thái, huyện Bình Gia, trong nội dung đơn của ông có thắc mắc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích đất mà gia đình ông sở hữu. Đơn của ông chúng tôi đã chuyển đến UBND xã Hồng Thái, huyện Bình Gia để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa