Trả lời bạn xem truyền hình ngày 19/01/2021

Thứ 3, 19.01.2021 | 08:19:37
1,168 lượt xem

Câu 1. Bà Hoàng Thị Hường, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Năm nay Công ty tôi sẽ thưởng cho nhân viên 02 tháng lương. Không biết, tôi có phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân và đóng bảo hiểm xã hội đối với khoản tiền này hay không?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thưởng như sau:

“1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”.

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012, một trong các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

“a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ”.

Một trong các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, theo điểm e khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ, bao gồm: “Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:

- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận;

- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Như vậy, tiền thưởng Tết bà nhận được từ Công ty thuộc là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Đồng nghĩa, bà có nghĩa vụ kê khai khoản tiền này để nộp thuế theo quy định của pháp luật. Theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động”. Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở, thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Thêm nữa, theo khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, “tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động”.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với khoản tiền thưởng Tết nhận được từ Công ty, bà không phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc.


Câu 2. Ông Vũ Hoàng Sơn, trú tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn hỏi: Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án và bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020 (gồm 04 Chương, 42 Điều), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

*Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể:

“1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

4. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

5. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

6. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

7. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

8. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại”.

* Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại ở Tòa án, cụ thể:

“1. Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định nêu trên thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”


Nhắn tin: Trong tuần vừa qua, chúng tôi có nhận được thư của bà Lý Thị Thụ, trú tại thôn Bản Thàng, xã Thiện Long huyện Bình Gia. Trong thư bà có thắc mắc về việc gia đình bà không được xét công nhận hộ nghèo.

Thư của bà chúng tôi đã gửi đến UBND xã Thiện long, huyện Bình Gia để kiểm tra, xem xét giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa