Trả lời bạn xem truyền hình ngày 09/02/2021

Thứ 4, 17.02.2021 | 09:44:07
896 lượt xem

Câu 1. Ông Hoàng Anh Tuấn trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Hình thức xử phạt đối với hành vi mê tín, dị đoan được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Những vi phạm về mê tín dị đoan thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị pháp luật xử phạt vi phạm hành chính hoặc cao hơn là xử lý hình sự. Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Nếu là đảng viên thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi đảng.

Về xử phạt vi phạm hành chính: 

Tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo(được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ)có quy định các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt trong tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực lễ hội như sau:

   - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.

   - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích.

   - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội);và hành vi Kinh doanh dịch vụ hàng quán, nhà hàng, khách sạn, bến bãi phục vụ người tham gia lễ hội lấn chiếm khuôn viên di tích, cản trở giao thông trong khu vực lễ hội.

  - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối hành vi: tổ chức lễ hội theo quy định phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý mà vẫn tổ chức.

  - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: tổ chức lễ hội theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

Về xử lý hình sự:

Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.


Câu 2. Ông Mai Văn Thân trú tại xã Hồng Thái, huyện Bình Gia hỏi: Mức tặng quà tết cho người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 được Nhà nước quy định như thế nào?

Trả lời:

Chủ tịch nước vừa ký ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN ngày 11-1-2021, về việc tặng quà đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo đó, quà tặng các đối tượng được chia thành hai mức là 600 nghìn đồng và 300 nghìn đồng, được điều chỉnh tăng 1,5 lần so năm 2020 là 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng.

Với mức quà 600 nghìn đồng dành tặng các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. 

Mức quà 300 nghìn đồng tặng: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).


Câu 3. Ông Nông Hồng Giêng trú tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình hỏi: Quy định về phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã?

Trả lời:

Nghị định 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố quy định cụ thể về phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

Về phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:

- Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;

- Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;

- Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào quỹ phụ cấp quy định tại khoản này và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố”./.

  • Từ khóa