Trả lời bạn xem truyền hình ngày 16/02/2021

Thứ 4, 17.02.2021 | 00:00:00
991 lượt xem

Câu 1. Ông Lương Văn Chinh, trú tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia hỏi: Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp trong những trường hợp nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời: 

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định số 17/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP). Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng trong các trường hợp sau:

 1. Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi sau:

 - Gây rối trật tự công cộng;

 - Gây thương tích cho người khác.

 2. Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp sau mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm:

- Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

- Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh Mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có Điều kiện mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa;

- Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp theo quy định của pháp luật;

- Nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng;

- Buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Vận chuyển hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    3.Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/2/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị tạm giữ hành chính, xử phạt vi phạm hành chính khi có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình; hoặc khi người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.


Câu 2. Ông Bế Văn Mâu, trú tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc hỏi: nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 483 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau:

“1. Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.

2. Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định giải quyết khiếu nại, ra văn bản giải quyết tố cáo theo quy định tại Chương này;

b) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới; thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát;

c) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát;

d) Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới;

đ) Ban hành kết luận kiểm sát; thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Về quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thì được quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT quy định về phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo. Việc ban hành văn bản yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được thông tin về vi phạm.

Biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết có thể áp dụng đối với một việc khiếu nại, tố cáo, cũng có thể áp dụng đối với nhiều việc khiếu nại, tố cáo.


Câu 3. Ông Nông Ngọc Hoàng, trú tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan hỏi? Tôi muốn vào thăm con trong trại tạm giam, thì những loại quà nào được mang vào trại tạm giam theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định:

“Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại”. Với quy định này, thì ông là thân nhân của người bị tạm giam nên có thể thăm gặp và gửi quà.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Điều 9 Thông tư số 34/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ Công an quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, thì:

- Được gửi quà không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng qùa là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

- Các loại quà được gửi gồm: Tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm).

Trường hợp gửi tiền thì phải là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại Trại tạm giam. Quá trình bị tạm giam, con ông không được sử dụng tiền mặt mà sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống; định lượng đồ ăn, uống được mua một lần không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Con ông sẽ được nhận lại tiền lưu ký (nếu còn) khi được trả tự do, chuyển đi cơ sở giam giữ khác hoặc giao lại cho thân nhân.

Trường hợp quà gửi là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thì phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế của Nhà nước. Cán bộ y tế của Trại tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và cho con ông sử dụng thuốc theo chỉ định.

Các đồ vật thuộc danh mục cấm được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư số 32/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ Công an quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam và xử lý vi phạm, như: Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc; thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác; các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cứng, sắc nhọn khác…

- Ngoài việc gửi quà khi thăm gặp, ông có thể gửi qùa cho con tại Trại tạm giam; trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; ông cũng có thể gửi tiền cho con qua đường bưu điện./.

  • Từ khóa