Trả lời bạn xem truyền hình ngày 29/06/2021

Thứ 5, 01.07.2021 | 15:30:06
1,156 lượt xem

Câu 1. Ông Hà Văn Tám, Trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyễn nhiễm năm 2007 quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Về xử lý vi phạm: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau: 

- Các hành vi: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (COVID – 19 thuộc nhóm A) của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng ( theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. Sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng ( theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng ( theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân (như: không đeo khẩu trang theo quy định) đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch. Sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch. Sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

     Trường hợp người có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người Điều 240, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt từ từ 01 năm đến 12 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”.

Câu 2. Bà Nguyễn thị Phượng, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: Người điều khiển phương tiên giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị xử lý như thế nào? 

Trả lời:

 Theo Khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về hành vi bị nghiêm cấm như sau “ Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy” sẽ bị xử lý như sau:

1. Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

Tại điểm c khoản 10 và điểm h khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng”.

2.Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

Tại điểm h Khoản 8 và Điểm g Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: “bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng”.

3. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe)

Tại điểm c khoản 9 và điểm e khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định : “Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: “bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng”.

  • Từ khóa