Trả lời bạn xem truyền hình ngày 13/07/2021

Thứ 3, 13.07.2021 | 16:32:25
597 lượt xem

Câu 1. Ông Vi Văn Toản, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trách nhiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT, ngày 08/09/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới, phần hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ thì trách nhiệm của khách hàng, của nhân viên phục vụ, người bán hàng, của đơn vị quản lý, chủ cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ được quy định cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm của khách hàng

- Không đến cơ sở ăn, uống khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi xếp hàng tại lối vào, khi thanh toán,...

- Rửa tay với dung dịch sát khuẩn khi vào cơ sở ăn, uống, khi ra về và khi cần thiết.

- Hạn chế nói chuyện to, bắt tay, tránh giao tiếp với người lạ nếu không cần thiết; hạn chế tiếp xúc với trang bị của nhà hàng nếu không cần thiết.

- Thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý, người cung cấp dịch vụ khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.

- Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 riêng của đơn vị quản lý, người cung cấp dịch vụ (nếu có).

2. Trách nhiệm của nhân viên phục vụ, người bán hàng

- Không đi làm khi đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc vệ sinh tay với dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi đến làm việc và sau khi ra về.

- Không bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng (nếu có thể), giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- Phải cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế trong suốt thời gian phục vụ nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.

- Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý, người cung cấp dịch vụ khi/hoặc phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 riêng của đơn vị quản lý, người cung cấp dịch vụ (nếu có).

3. Trách nhiệm của đơn vị quản lý, chủ cơ sở

- Khuyến khích việc thực hiện đo thân nhiệt cho khách hàng, nhân viên phục vụ, người bán hàng khi vào cơ sở ăn uống.

- Yêu cầu nhân viên phục vụ, người bán hàng phải đeo khẩu trang

- Bố trí ngồi giãn cách tối thiểu 1 mét hoặc so le, hạn chế ngồi trực diện; khuyến khích lắp đặt vách ngăn tại các bàn ăn uống, quầy thanh toán...

- Có hình thức khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi khi sử dụng dịch vụ, ưu tiên thanh toán nhanh đối với các khách hàng đã cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế.

- Vệ sinh, khử khuẩn đối với bàn ăn, vách ngăn sau mỗi lượt khách hàng sử dụng; đối với ghế ngồi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, khu vệ sinh.... tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết. Có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được lau rửa vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng nếu sử dụng lại.

- Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí thuận tiện, xà phòng tại các khu vệ sinh.

- Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.

- Phối hợp với các cơ quan y tế và chính quyền sở tại triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người làm việc và khách hàng như bố trí đặt biển hướng dẫn các quy định về phòng chống dịch...

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc người làm việc, khách hàng thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân và các biện pháp dự phòng tại cơ sở ăn uống.”

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà ngoài thực hiện các trách nhiệm theo quy định nêu trên còn phải thực hiện nghiêm trách nhiệm theo chỉ đạo của UBND thành phố Lạng Sơn tại Công văn số 1793/UBND-VP ngày 02/7/2021 về việc thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới như: đảm bảo khoảng cách, số lượng khách không vượt quá 50% công suất quán ăn, nhà hàng, hoạt động đến 22h30 hàng ngày. Yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày. 

Câu 2. Bà Nguyễn Thị Ngân, trú tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia hỏi: Điều kiện và thủ tục đăng ký tạm trú từ ngày 01/7/2021 được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021) quy định điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.”

Khi đi đăng ký tạm trú, bà cần mang theo những giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020, cụ thể như sau:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Thủ tục đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú số 68/2020/QH14, cụ thể như sau:

“2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”./.

  • Từ khóa