Trả lời bạn xem truyền hình ngày 20/07/2021

Thứ 3, 20.07.2021 | 08:26:58
587 lượt xem

Câu 1. Ông Lương Văn Hoàng, trú tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng hỏi: Tôi vừa mới được nhận vào làm việc tại công ty may F. Tôi muốn biết pháp luật quy định như thế nào về thời giờ làm việc bình thường, thời gian nghỉ trong giờ làm việc và nghỉ hằng tuần?

Trả lời:

* Về thời giờ làm việc bình thường: 

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

 “1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

 2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

 Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan”.

 * Về Thời giờ nghỉ ngơi: 

 Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:

 “1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

 Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 nêu trên, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động”.

* Về nghỉ hằng tuần

- Điều 111 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:

“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

 2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

 3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 (Nghỉ lễ, tết) thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp”.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì thời giờ làm việc bình thường quy định tại Khoản 1 Điều 105; về nghỉ trong giờ làm việc được quy định tại Điều 109 và nghỉ hằng tuần thì việc nghỉ hằng tuần được quy định tại Điều 111.


Câu 2. Bà Vũ Mai Phương, trú tại Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Phương thức đóng và nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này”.

- Theo Điều 6 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Việc làm và bảo hiểm thất nghiệp quy định về phương thức đóng và nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động như sau:

“1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm (Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp); và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm (Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng) để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm của người sử dụng lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

b) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần bảo hiểm thất nghiệp phải đóng còn lại, người sử dụng lao động tự bảo đảm theo quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản này.

c) Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

d) Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức khác thì khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hàng tháng bằng cách: đóng số tiền bằng 1% tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cộng với trích tiền lương của người lao động với mức đóng bằng 1% tiền lương tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp, cùng đóng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nguồn đóng bảo hiểm của công ty sẽ xác định là chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ./.

  • Từ khóa