Trả lời bạn xem truyền hình ngày 31/08/2021

Thứ 4, 01.09.2021 | 09:40:47
1,927 lượt xem

Câu 1. Ông Triệu Văn Nam, trú tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng hỏi: Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm dịch phòng, chống COVID-19 được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, người thi hành công vụ được hiểu bao gồm những người sau: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Khoản 2, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân: Không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ; các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ.

 Theo đó, đối với người không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, cụ thể:

 1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính

 Nếu người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

 b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

 c) xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

 3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

 b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

 c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

 4. Hình thức xử phạt bổ sung:

 Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại điểm c Khoản 3 Điều này.

 2. Quy định về xử lý hình sự

 Nếu người vi phạm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù.

Ngoài ra, người có hành vi đánh người thi hành công vụ còn có thể bị xử lý hình sự thêm tội cố ý gây thương tích theo quy đinh tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.


Câu 2. Bà Phạm Thị Thu, trú tại Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi đi làm ở Công ty được 3 tháng thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Thêm nữa, tại Công ty tập trung nhiều công nhân, sinh sống ở nhiều nơi nên không chắc đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, tôi muốn biết liệu tôi có thể đề xuất Công ty cho tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động một thời gian và khi đi làm trở lại không cần phải ký hợp đồng mới hay không? Nếu được Công ty giải quyết, trong thời gian tạm hoãn đó, tôi có được hưởng quyền lợi gì hay không? 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về Hợp đồn lao động như sau:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.

Theo Điều 28 của Bộ luật này quy định về việc thực hiện hợp đồng lao động đã nêu rõ, “công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

Hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa hai bên, người sử dụng lao động và người lao động. Cho nên, nếu không vi phạm điều cấm của pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, hai bên có thể thỏa thuận các nội dung khác có liên quan.

Về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, Điều 30 của Bộ luật này quy định:

“1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Từ thông tin bà nêu, nếu muốn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết với Công ty, bà cần đề nghị và phải có sự đồng ý của Công ty đó theo nguyên tắc thỏa thuận. Trong thời gian tạm hoãn, về nguyên tắc bà không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận về việc Công ty hỗ trợ cho bạn.

Theo Điều 31 của Bộ luật này, “trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Có nghĩa là, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn, bà phải có mặt tại nơi làm việc và Công ty có trách nhiệm nhận bà lại làm công việc theo đúng hợp đồng lao động đã giao kết, hai bên không thực hiện giao kết hợp đồng mới. /.

  • Từ khóa