Trả lời bạn xem truyền hình ngày 04/10/2021

Thứ 3, 05.10.2021 | 00:00:00
619 lượt xem

Câu 1. Ông Phạm Anh Tuấn, trú tại xã Thái Bình, huyện Đình Lập hỏi: Mẹ tôi mất vì bệnh nặng tại nhà năm 2015 và địa táng tại nghĩa trang của thôn. Do tang gia bối rối nên sau đó gia đình tôi chưa đăng ký khai tử cho mẹ tôi. Gia đình tôi hiện vẫn còn giữ được các văn bản, giấy tờ về mẹ tôi như:...

Giấy CMND, Sổ hộ khẩu, bản sao Giấy khai sinh, bản điếu văn do đồng chí Trưởng thôn lập, ảnh thờ của mẹ tôi có ghi ngày, tháng, năm mất ở hàng dưới chân của bức ảnh và rất nhiều ảnh chụp đám tang của mẹ tôi trong đó có bức ảnh chụp hình bán thân có gắn tờ lịch nhỏ (thứ, ngày, tháng năm để nhớ ngày tháng năm mất của mẹ tôi). Ông Trưởng thôn hiện vẫn đang công tác. Hiện nay, gia đình tôi giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai nên cần giấy chứng tử của bà. Xin hỏi, tôi muốn đăng ký khai tử cho mẹ tôi thì cần những giấy tờ gì? Đăng ký ở đâu và Thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch hướng dẫn đăng ký khai tử như sau:

“Việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật hộ tịch và hướng dẫn sau đây:

1. Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.

2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.”

Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định nội dung đăng ký khai tử như sau:

“2. Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.

Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;

đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.”

Như vậy, theo trình bày của Ông, mẹ Ông mất vì bệnh nặng tại nhà nên không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định trên, do vậy khi đăng ký khai tử cho mẹ, Ông phải cung cấp giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết. Cụ thể, Ông cần lập văn bản trình bày sự kiện chết của mẹ Ông (trong đó có các nội dung: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch) có xác nhận của ít nhất 03 người làm chứng (trong đó có ông Trưởng thôn) và được UBND xã chứng thực chữ ký của những người làm chứng này theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Ngoài ra, Ông có thể cung cấp các bức ảnh chụp về đám tang của mẹ Ông trong đó có bức ảnh chụp hình bán thân có gắn tờ lịch nhỏ thể hiện ngày tháng năm mất của mẹ Ông làm chứng cứ chứng minh (nếu cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu).

Về thẩm quyền, thủ tục đăng ký khai tử được quy định tại Điều 32 và Điều 34 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

“Điều 32. Thẩm quyền đăng ký khai tử

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.”

“Điều 34. Thủ tục đăng ký khai tử

1. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.”

Câu 2. Bà Vũ Thị Mai trú, tại Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tôi và bạn trai (quốc tịch Mỹ) nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND huyện G và có giấy hẹn 15 ngày sau đến làm thủ tục trao Giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, sau 2 ngày nộp hồ sơ thì bạn trai tôi có việc quan trọng phải về Mỹ để giải quyết.Xin hỏi, nếu bạn trai tôi không thể sang Việt Nam làm thủ tục trao Giấy chứng nhận kết hôn theo đúng hẹn thì chúng tôi có được xin gia hạn không? Nếu có thì thời gian xin gia hạn nhận Giấy chứng nhận kết hôn là bao lâu? Trường hợp hết thời gian gia hạn mà bạn trai tôi chưa thu xếp sang Việt Nam nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì chúng tôi có được xin gia hạn tiếp không? 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định về tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn như sau:

“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

2. Việc trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 của Luật Hộ tịch.

Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày được ghi vào sổ và trao cho các bên theo quy định tại Khoản này.

3. Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.

Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.”

Như vậy, căn cứ quy định trên thì Bà được xin gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn và việc xin gia hạn này phải được thể hiện bằng văn bản gửi đến cơ quan đăng ký kết hôn huyện G. Thời gian gia hạn trao Giấy chứng nhận kết hôn không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết thời hạn này mà bạn trai Bà không có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn cùng Bà thì sẽ không được gia hạn tiếp và Giấy chứng nhận kết hôn của các bạn sẽ bị hủy./.

  • Từ khóa