Trả lời bạn xem truyền hình ngày 02/11/2021

Thứ 3, 02.11.2021 | 09:55:45
958 lượt xem

Câu 1. Ông Lý Văn Năm, trú tại xã Đông Quan, huyện Lộc Bình hỏi: Quy định về phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã?

Trả lời:

Nghị định 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố quy định cụ thể về phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

Về phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:

- Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;

- Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;

- Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào quỹ phụ cấp quy định tại khoản này và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.”

Câu 2. Ông Hoàng Văn Hoan, trú tại xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định hỏi: pháp luật quy định như thế nào về xử lý y tế đối với người khi thực hiện kiểm dịch y tế biên giới?

Trả lời: 

Theo Điều 11 Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới quy định như sau:

1. Đối tượng xử lý y tế:

a) Có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Đối tượng không có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng đối với người xuất phát từ hoặc đi đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh thuộc nhóm A mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng;

c) Đối tượng có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng đã hết hiệu lực đối với người xuất phát từ hoặc đi đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh thuộc nhóm A mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng;

d) Người tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với đối tượng có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh;

- Chuyển đến khu vực cách ly y tế tại cửa khẩu. Việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

- Khám và điều trị ban đầu;

- Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, khử khuẩn;

- Chuyển về cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm để dự phòng và điều trị theo quy định.

3. Sau khi hoàn thành, tổ chức kiểm dịch y tế cấp ngay giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng. Chỉ áp dụng biện pháp tiêm chủng đối với bệnh có vắc xin và đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.

4. Đối tượng là người tiếp xúc với người nhập cảnh có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế lập danh sách đầy đủ các thông tin về họ tên, điện thoại, địa chỉ liên lạc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định, đồng thời áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp dự phòng;

- Tuyên truyền, tư vấn phòng chống dịch bệnh;

- Lập phương án theo dõi người tiếp xúc.

5. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế, kiểm dịch viên y tế xác nhận vào tờ khai y tế, kết thúc quy trình kiểm dịch và thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người bị xử lý y tế.

6. Đối với người chưa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nhưng có yêu cầu cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng để xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thì người đó phải làm đơn và chứng minh việc sử dụng vắc xin, biện pháp dự phòng đã áp dụng trước đó còn hiệu lực với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.

Câu 3. Ông Nguyễn Trung Thành, trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng hỏi: Luật Biên giới quốc gia quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền như thế nào? hình thức xử lý và căn cứ vào văn bản pháp luật nào để xử lý hành vi vi phạm?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 4 Luật Biên giới quốc gia quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền bao gồm:

1. Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, công trình biên giới.

2. Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới.

3. Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép.

4. Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, săn bắn, chăn thả gia súc.

5. Chôn cất, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển thi thể, hài cốt, động vật, thực vật và xác động vật qua biên giới không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

6. Bắn súng qua biên giới, gây nổ, chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới.

7. Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm trong khu vực biên giới đất liền.

8. Các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

9. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với các nước láng giềng. 

Về hình thức xử lý: tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. 

Căn cứ pháp lý để xử lý hành vi vi phạm gồm: Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ biên giới quốc gia; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi , bổ sung năm 2017./. 


  • Từ khóa