Trả lời bạn xem truyền hình ngày 15/11/2022

Thứ 3, 15.11.2022 | 10:35:08
1,124 lượt xem

LSTV - Tuần 3 Thứ ba, ngày 15 tháng 11 năm 2022

Câu 1. Ông Bùi Văn Tuấn, trú tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng hỏi: Những thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng bị xóa bỏ trong trường hợp nào?

Trả lời

Ngày 15/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, những trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm:

- Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

- Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

- Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật, cụ thể:

+ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

- Đồng thời, Nghị định 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm:

- Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng.

- Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cũng tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP, Chính phủ còn quy định các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.

Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):

+ Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.

+ Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu.

+ Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.

Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.

Câu 2. Ông Nguyễn Mạnh Trường, trú tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về giải quyết việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Trả lời

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc tự ý chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà không có sự cùng thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động của một trong các bên tham gia quan hệ hợp đồng lao động. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định trách nhiệm pháp lý của người sử dụng lao động như sau:

1. Người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị quá thời hạn quy định của pháp luật lao động mà khả năng lao động chưa hồi phục.

- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

- Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động có thể gửi đơn trực tiếp hoặc thông qua tổ chức Công đoàn khiếu nại lên lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký. Nếu như sự tham gia của Công đoàn không có hiệu quả thì người lao động có thể làm đơn khởi kiện người sử dụng lao động ra Tòa án nhân dân cấp huyện tại địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động để Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình và theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 201 Bộ luật Lao động thì tranh chấp trong trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải.

 2. Khi đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, xác định việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật, thì người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây đối với người lao động:

- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước theo quy định thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả nêu trên, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài các khoản tiền người sử dụng lao động phải trả nêu trên, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Điều 41 Bộ luật Lao động./.

  • Từ khóa