Trả lời bạn xem truyền hình ngày 14/4/2020

Thứ 3, 14.04.2020 | 10:16:28
713 lượt xem

Câu 1. Ông Bế Minh Hoàn trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: hình thức xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:       

 Căn cứ pháp lý để xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được pháp luật quy định như sau:

 Thứ nhất, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế

- Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng (theo khoản 1 Điều 11).

- Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 11).

- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức (theo điểm a, khoản 4 Điều 11).

- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng (theo điểm c, khoản 4 Điều 11).

- Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng (theo điểm a khoản 5 Điều 11).

- Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10.000.000 đồng.

Thứ hai, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường

- Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7.000.000 đồng (theo điểm c, d khoản 1 Điều 20).

Thứ ba, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

- Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

- Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lan truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

- Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15.000.000 đồng (theo Điều 288 Bộ luật Hình sự).

11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

- Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát - xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý (theo Điều 295 Bộ luật Hình sự). 

- Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hoá đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hoá được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lời bất chính thì bị xử lý về tội "Đầu cơ" (theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự).

Câu 2: Ông Lương Văn Huynh trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp cắt giảm việc làm được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

- Căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm, người lao động sẽ được nhận Bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau: 

- Người lao động có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp là hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn. Người lao động có tham gia bảo hiểm 12 trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng vụ việc có thời gian từ 03 đến 12 tháng.

- Không thuộc các trường hợp sau: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
 Chết.

Về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội (căn cứ Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thật nghiệp)

- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao chứng thực hoặc bán chính 1 trong các giấy tờ liên quan tới việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như: Hợp đồng lao động hết hạn, quyết định thôi việc, quyết đinh sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do Nhà nước thành lập nơi người lao động đóng bảo hiểm.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp ( căn cứ Điều 50 Luật Việc Làm)

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần lương cơ sở đối với người lao động

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng không quá 12 tháng.

Mức hưởng hàng tháng  = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp  x 60% 

Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu.

Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Nhắn tin: trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Lương Văn Thập trú tại thôn Bản Ngõa, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Trong đơn ông có thắc mắc về việc cách xác định mục đích sử dụng đất và cách tính giá mảnh đất của gia đình ông hiện có.

Đề nghị ông liên hệ trực tiếp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc để được trả lời cụ thể về vấn đề này./.

  • Từ khóa