Trả lời bạn xem truyền hình ngày 28/4/2020

Thứ 3, 28.04.2020 | 09:51:23
735 lượt xem

Câu 1. Ông Lục Trần Tà, trú tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan hỏi: nạn nhân mua bán người có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?

Trả lời:       

Theo Điều 6 Luật Phòng, chống mua bán người quy định nạn nhân có quyền và nghĩa vụ như sau:

- Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

- Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật này.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ quy định nạn nhân, người thân thích của họ có quyền:

- Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại;

- Từ chối biện pháp bảo vệ cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định này áp dụng.

Như vậy, nạn nhân mua bán người hoặc người thân của nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại.

Đồng thời, Điều 7 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy định:

Tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện thực tế, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ sau đây để bảo đảm an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ (sau đây gọi chung là người được bảo vệ):

1. Giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ.

2. Giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ.

3. Bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác.

4. Hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ.

5. Bố trí nơi tạm lánh cho người được bảo vệ.

6. Bố trí nơi ở, nơi làm việc, học tập mới cho người được bảo vệ.

7. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

8. Xét xử kín.

Câu 2: Ông Hoàng Ngọc Trò trú tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng hỏi: Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm những hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

- Các hình thức xử phạt chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.

- Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm theo quy định;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định;

c) Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;

d) Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;

đ) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

e) Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;

g) Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;

h) Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;

i) Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;

k) Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

l) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;

m) Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;

n) Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp Cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện.

o) Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất;

p) Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

q) Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp đối với trường hợp phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập không hợp pháp hoặc chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận 

r) Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất quy định.

Câu 3. Ông Nông Văn Viên trú tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập hỏi: Trường hợp nào được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình?

Trả lời:

Điều 11 Luật Dân quân tự vệ quy định các trường hợp sau đây được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể như sau:

a) Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

c) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;

d) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

đ) Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

g) Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

h) Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài./.

  • Từ khóa